Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Rohingya: một dân tộc không có đất sống


Đoàn Thi
22.5.15

Hiện tượng người tầm trú hiện đang là một trong những vấn đề lớn của thế giới. Tại Âu Châu, làn sóng những người từ Bắc Phi vượt biên đến Ý để từ đó tìm đường vào các nước khác đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo và chính trị. Tại Á Châu, vấn đề lại càng rắc rối hơn khi một số nước từ chối không tiếp nhận hoặc ngay cả không những không  cứu vớt những người tầm trú, mà còn đẩy lui họ ra giữa biển khơi. Trong số những người tầm trú từ Á Châu, đáng thương nhất là số phận của những người Rohingya, một dân tộc không có đất sống ở bất cứ một nơi nào.
Hiện có tới hàng ngàn người Rohingya đang lênh đênh trên đại dương, vì các nước Đông Nam Á không muốn đón nhận họ. Hiện nay người ta vẫn chưa biết được chính xác mức độ của cuộc khủng hoảng. Không có bất cứ một tổ chức nào, từ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Di Dân Thế Giới (IOM: International Organization for Migration) cho đến các nhóm tranh đấu cho quyền của người Rohingya, biết được có bao nhiêu tàu chở người tầm trú thuộc sắc tộc này đang nhắm đến các nước Đông Nam Á. Nhiều người ước tính con số người tầm trú Rohingya đang mắc kẹt trên những chiếc tàu này có thể lên đến nhiều ngàn người.
Mặc dù ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Á Châu hãy tuân thủ “Công pháp Quốc tế” và “nghĩa vụ phải cứu vớt người trên biển cả”, các nước Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương vẫn không chịu tiếp nhận các thuyển nhân.
Theo Đài Truyền Hình CNN, các tàu chở người tầm trú đang tìm cách lẩn tránh các tàu tuần tra của các nước Đông Nam Á và người tỵ nạn đang bị những kẻ “buôn người” giam giữ trên tàu như tù nhân. Theo một số nguồn tin chính thức, những kẻ buôn người, phần lớn là người Thái, nói với những người tầm trú rằng họ chỉ được đón nhận tại Mã Lai.
Được biết Thái Lan sẽ đứng ra tổ chức một Hội nghị cấp vùng vào ngày 29 tháng 5 tới đây. Hội nghị sẽ qui tụ các ngoại trưởng của các nước Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan. Vấn đề được đưa ra thảo luận, dĩ nhiên sẽ là tìm cách đối phó với làn sóng người tầm trú, cách riêng người Rohingya, tìm đến nước họ.
Phần lớn người Rohingya sống tại Miến Điện, cách riêng tại tiểu bang Rakhine, miền Tây nước này. Rohingya là một sắc tộc thuộc nhóm Indo-Aryan. Theo người Rohingya và phần lớn các học giả, người Rohingya là “thổ dân” của tiểu bang Rakhine, nghĩa là từ xa xưa họ đã có mặt tại vùng đất này. Nhưng một số sử gia thì lại cho rằng người Rohingya là một sắc dân xuất phát từ vùng Bengali, bên Ấn Độ. Trong thời kỳ người Anh chiếm đóng Ấn Độ và nhất là sau khi Miến Điện dành được độc lập vào năm 1948 và sau cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh năm 1971, họ mới bắt đầu di dân sang Miến Điện.
Người Rohingya theo Hồi Giáo. Tính cho đến năm 2013, có khoảng 735 ngàn người Rohingya sống tại Miến Điện. Phần lớn họ sống tập trung tại một số thành phố nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Rakhine. Theo các tổ chức tranh đấu và bảo vệ cho nhân quyền, người Rohingya là một trong những dân tộc thiểu số bị bách hại nhất trên thế giới.
Những cuộc đụng độ giữa cộng đồng phật tử trong tiểu bang và người Rohingya theo Hồi giáo hồi năm 2012 đã khiến cho hàng trăm người bị thiêt mạng và trên 140 ngàn người lâm cảnh không nhà không cửa. Từ lâu nay, dân tộc thiểu số Rohingya vốn bị đàn áp dã man tại Miến Điện, một quốc gia có đa số dân theo Phật Giáo.
Liên Hiệp Quốc ước tính, kể từ khi các cuộc bạo động vì sắc tộc và tôn giáo bùng nổ tại Miến Điện, đã có trên 100 ngàn người Rohingya tìm đường vượt biên. Chính phủ Miến Điện đã cưỡng bách dân tộc này phải tập trung tại tiểu bang Rakhine. Họ không được phép rời khỏi tiểu bang và phải sống trong những khu biệt lập. Ngoài ra, Chính phủ Miến Điện cũng không nhìn nhận họ như một nhóm sắc tộc có văn hóa và ngôn ngữ riêng của mình. Năm 1982, chính phủ quân phiệt của tướng Ne Win đã ban hành điều được gọi là “luật công dân”. Với luật này, người Rohingya không được nhìn nhận là công dân của Miến Điện. Kể từ đó, họ bị bách hại một cách có hệ thống và dã man. Nhiều người đã phải trốn chạy và sống trong những cộng đồng đóng kín hoặc các trại tỵ nạn dọc theo biên giới Bangladesh và Thái Lan. Hơn 100 ngàn người Rohingya tại Miến Điện vẫn tiếp tục sống trong các trại dành cho những người phải rời bỏ nơi cư trú thường xuyên của mình. Số phận của họ chỉ được cộng đồng thế giới quan tâm đến kể từ sau các cuộc bạo động tại Tiểu bang Rakhine hồi năm 2012.
Những người có đủ phương tiện đều tìm đường vượt biên dù biết rằng đây là một con đường vượt thoát đầy nguy hiểm. Họ thường bị những kẻ buôn người nhét vào những chiếc thuyền nhỏ để từ đó chuyển ra những chiếc tàu chở hàng. Phần lớn những chiếc tàu này trực chỉ Mã Lai.
Chính phủ Miến Điện cho biết họ sẽ không tham dự Hội nghị cấp vùng được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 29 tháng 5 sắp tới. Ông Zaw Htay, Chính văn phòng của tổng thống Miến Thein Sein, đã nói với Đài Truyền Hình CNN rằng nước ông sẽ không tham dự vào các cuộc thảo luận nếu tên của sắc tộc “Rohingya” được nhắc tới. Theo ông, nếu chính phủ nhìn nhận tên “Rohingya” thì họ sẽ nghĩ rằng họ là công dân của Miến Điện. Ông Htay khẳng định rằng Miến Điện không chịu trách nhiệm về việc người Rohingya đang lênh đênh trên biển.
Không được nhìn nhận như một sắc tộc và có quyền công dân tại Miến Điện, nhiều người Rohingya đã trốn sang một trong những nước láng giềng của Miến Điện là Bangladesh. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 300 ngàn người Rohingya đang sống tại Bangladesh. Nhiều người phải sống trong các trại hoặc do Liên Hiệp Quốc thiết lập hoặc những trại bất hợp pháp tại biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện. Được cho phép cư trú, nhưng họ phải sống trong những điều kiện tồi tệ và không được phép làm việc.
Số phận của những người Rohingya hiện đang bị bỏ rơi trên biển cả lại càng bi thảm hơn vì họ đã phải ra đi cùng với những người Bangladesh, vốn phải tìm đường vượt biên vì tình trạng kinh tế tồi tệ trong nước. Mặc dù nhiều người, nhất là Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, xem người Rohingya như những người tỵ nạn chính trị trốn chạy cuộc bách hại ở Miến Điện, các nước Đông Nam Á vẫn không chịu đón nhận họ vì có sự trà trộn của những người mà họ cho là ra đi vì lý do kinh tế.
Ông Matthew Smith, thuộc tổ chức có tên “Fortify Rights” (củng cố nhân quyền), một tổ chức bênh vực nhân quyền có trụ sở tại Đông Nam Á, giải thích rằng các chính phủ trong vùng đẩy tàu chở người tầm trú ra khơi để gọi là chận đứng tệ nạn buôn người, trong khi đó nghĩa vụ hàng đầu của các nước là phải bằng mọi giá cứu vớt và bảo vệ nạn nhân của tệ nạn buôn người và người tầm trú.
Trong khi các chính phủ Đông Nam Á tỏ ra nhẫn tâm với người tầm trú Rohingya thì dân chúng lại cư xử với họ một cách nhân đạo và tử tế hơn. Chẳng hạn như tại Thái Lan. Theo tường thuật của Đài CNN, trên biển Andaman thuộc Vịnh Bengal, phía Nam Miến Điện và phía Tây Thái Lan, một ngư phủ Thái Lan cho biết ông đã nhìn thấy một chiếc thuyền đầy người tầm trú với hàng trăm trẻ em. Nhưng ngư phủ Thái này rất làm buồn vì không còn nhìn thấy chiếc thuyền nữa.
Hồi tuần trước, cư dân của đảo Koh Lipe, miền Nam Thái Lan, đã quyên góp thức ăn, nước uống và quần áo cho người tầm trú đang bị giam trên những chiếc thuyền. Nhưng quân đội đã ra lệnh cho họ phải ngưng tiếp tế cho người tầm trú cũng như tiếp xúc với các ký giả.
Tổ chức “Fortify Rights” cho Đài Truyền Hình CNN biết rằng các tàu tuần tra của Thái Lan vẫn tiếp tục tìm kiếm và truy đuổi các tàu chở người tầm trú ra khỏi hải phận của mình. Do đó, các ký giả và các nhóm bênh vực nhân quyền không thể hiểu được tình trạng của người tầm trú.
Tại Nam Dương, chính phủ cũng tỏ ra rất cứng rắn trong các biện pháp chận đứng người tầm trú tìm vào nước mình. Một phát ngôn viên quân sự của Nam Dương cho biết họ có tới 4 chiếc chàu tuần tra đang hoạt động trong vùng biển Aceh với mục đích không để cho bất cứ một di dân bất hợp pháp nào xâm nhập vào vùng biển của họ.
Tuy nhiên, theo một phúc trình của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, tuần vừa qua, những người đánh cá Nam Dương đã cứu vớt được trên 1300 người tầm trú gồm có người Rohingya và người Bangladesh, sau khi tàu chở họ cập bến vào đất liền và họ đã phải bơi vào bờ tại Aceh và các tỉnh ở phía Bắc Đảo Sumatra. Chính phủ Nam Dương, tuy không ra lệnh cho các ngư phủ phải ngưng việc cứu vớt các thuyền nhân vì lý do nhân đạo, nhưng yêu cầu họ hãy tập trung vào việc đánh cá, chứ đừng cố gắng đi tìm kiếm những chiếc tàu chở người tầm trú.
Cũng như Thái Lan và Nam Dương, Chính phủ Mã Lai cũng có những biện pháp rất cứng rắn đối với người tầm trú. Mặc dù Liên Hiệp Quốc có kêu gọi đến đâu, Chính phủ Mã Lai vẫn cương quyết đẩy lui các chiếc tàu chở người tầm trú ra khơi. Thứ trưởng Nội An Mã Lai, ông Wan Junaidi Jaafar nói với Đài CNN rằng nếu Mã Lai  mở cửa đón nhận người tầm trú thì hàng trăm ngàn người Miến Điện và Bangladesh sẽ đổ xô vào nước họ.
Tại Đông Nam Á, chỉ có Phi Luật Tân là quốc gia luôn tỏ ra nhân đạo đối với người tầm trú. Người Việt tỵ nạn tại nước này đã từng cảm nhận được lòng từ tâm của người dân Phi cũng như chính sách khoan hồng của chính phủ nước này.
Mới đây báo chí địa phương tung tin rằng Chính phủ Phi Luật Tân sẽ đẩy lui ra biển bất cứ thuyền nhân nào tìm cách đặt chân lên đất Phi. Nhưng ông Herminio Coloma Jr, một phát ngôn viên của Phòng Thông Tin của tổng thống Phi, đã tức khắc có phản ứng trước nguồn tin này. Trong một tuyên ngôn được đưa ra hôm 18 tháng 5 vừa qua, ông Coloma khẳng định rằng chính phủ Phi vẫn luôn luôn trợ giúp nhân đạo cho các thuyền nhân. Trong quá khứ chính phủ nước này đã từng đối xử như thế với người Việt tỵ nạn khi cho thành lập trại tỵ nạn trong thập niên 1970.
Trích dẫn Công ước quốc tế về qui chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1951 mà Phi Luật Tân đã từng ký tên vào, ông Coloma nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia cứu mạng người theo những cơ chế đã có từ lâu và vẫn còn giá trị mà chúng tôi đã dựa vào Công Ước để cam kết thi hành”.
Đây quả là một tin vui cho người Rohingya, một dân tộc không tìm được đất sống ở bất cứ nơi nào.
Tin giờ chót: Mã Lai và Nam Dương bắt đầu cho tàu ra khơi cứu vớt người tầm trú. Lương tâm thời đại vẫn còn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét