Chu Thập
5/4/11

Singapore quả là thiên đàng đối
với tôi. Lênh đênh giữa biển cả, được vớt lên một giàn khoan dầu, tôi thấy như
được sống lại từ cõi chết. Thóat khỏi một nhà tù vĩ đại để thấy mình đuợc tự
do, dù chỉ là tự do giới hạn trong trại tỵ nạn, tôi thấy chẳng mong gì hơn. Rồi
từ một trại tỵ nạn tù túng và thiếu thốn được đưa vô một đất nước thịnh vượng
giàu có vào bậc nhứt thế giới, tôi thấy thực sự chóang ngợp. Chỉ cần một ngày
được đưa đi thăm thú quốc gia hải đảo Singapore, tôi đã thấy được thực sự thế
nào là “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Nhưng cuộc sống đầy đủ tiện
nghi vật chất có thực sự làm cho con nguời hạnh phúc không? Lúc còn sống trong
thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt nam, vật lộn với cuộc sống kham khổ thiếu thốn
hằng ngày và nhứt là phải đối đầu hầu như từng giây từng phút với bóng công an
chìm nổi khắp mọi nơi, dường như cái đầu lúc nào cũng căng thẳng của tôi không
cho phép tôi đặt câu hỏi và suy nghĩ về những điều kiện của hạnh phúc. Suốt
ngày, tôi chỉ nghĩ đến cái ăn cái mặc và sự an tòan của bản thân. Hạnh phúc quả
là một phạm trù quá xa xỉ đối với tôi lúc đó.
Thế rồi, khi tiếp xúc với những
người mà tôi tuởng đang sống trong thiên đàng, tôi mới nhận ra rằng cuộc sống
sung túc và các tiện nghi vật chất không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con
người.
Trong những ngày sống tại
Singapore, tôi có dịp làm quen với hai vị ân nhân của trại chuyển tiếp. Một người
là ông Paul Chin, một doanh nhân giàu có thường xuyên vào trại để tiếp tế và
giúp đỡ người tỵ nạn. Có lẽ không người tỵ nạn nào dừng chân tại quốc gia hải đảo
này mà không nghe nói đến tên ông. Tôi có dịp gặp lại ông một lần tại
Birmingham, Anh Quốc, khi ông đi thăm người con gái đang du học tại nước này.
Trong câu chuyện trao đổi, tôi hiểu được rằng với ông tiền của không phải là cứu
cánh của cuộc đời. Ông hoạt động từ thiện là để tìm cho cuộc sống một ý nghĩa.
Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng khi hay tin ông qua đời, tôi thật sự thấy mất
đi một tấm gương vị tha hiếm có.
Vị ân nhân thứ hai của người tỵ
nạn tại Singapore, nhứt là các trẻ em vị thành niên không có thân nhân bên cạnh,
là một kỹ sư trẻ tên là Tan. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một chàng thanh niên
độc thân, nhân dáng dễ nhìn, cứ mỗi chiều sau khi tan sở, liền lái xe vào trại
để chăm sóc các em vị thành niên. Lần nọ, anh chở tôi đi một vòng phố, rồi đưa
vào các siêu thị giúp chọn cho tôi một đôi giày để mang lên máy bay. Lúc rời trại
Galang để đến Singapore, tôi vẫn mang đôi giép nhựt lẹp xẹp. Tôi vẫn còn nhớ rõ
lần đầu tiên được bước trên thang máy, tôi cứ phải đưa chân lên “nhắp” mấy cái
rồi mới nhảy lên. Không cần phải hỏi giấy tờ, nguời dân Singapore chắc phải biết
ngay tôi là người nước nào. Anh Tan hẳn cũng phải rất cảm thông và kiên nhẫn với
những con ngừơi quê mùa như tôi. Riêng tôi lúc nào cũng nhìn người thanh niên
giàu lòng từ tâm với tất cả sự cảm phục. Tôi cũng nói với anh rằng người dân
Singapore phải là những người rất hạnh phúc. Lúc đó, như để mở đôi mắt còn quá
“nai vàng ngơ ngác” của tôi, chàng kỹ sư độ lượng giải thích cho tôi rằng sự
giàu có không đương nhiên làm cho người dân Singapore được hạnh phúc đâu. Là một
người có thao thức, anh nói rằng đất nước anh chưa thực sự có “tự do”. Vào thời
đó, dù là một nước dân chủ, Singapore vẫn được cai trị với bàn tay sắt của ông
Lý quang Diệu. Kỷ luật, kỷ luật, kỷ luật: đó là khẩu hiệu hàng đầu mà thủ tướng
Lý Quang Diệu đề ra cho đất nước để tiến tới thịnh vượng và an ninh. Tất cả những
vi phạm trật tự công cộng, dù nhỏ như vứt một tàn thuốc hay nhổ kẹo cao su ra đất,
cũng đều có thể bị phạt nặng. Báo chí không hòan tòan được tự do. Kỹ sư Tan nói
rằng anh mong cho đất nước của anh có nhiều tự do hơn và người dân được thực sự
tự do suy nghĩ bằng cái đầu của mình.
Tôi hiểu được tâm trạng của
người kỹ sư trẻ này. Anh mong một cái gì khác hơn là một địa vị xã hội vững chắc,
một cuộc sống an tòan và những tiện nghi vật chất. Anh không nói ra, nhưng tôi
tin rằng những hy sinh mỗi ngày mà anh dành cho người tỵ nạn không nhằm một mục
đích nào khác hơn là để khỏa lấp khỏang trống trong tâm hồn mà sự giàu sang
không thể lấp đầy được.
Tuy không gặp lại kỹ sư Tân từ
30 năm qua, tôi vẫn giữ mãi hình ảnh của một người thanh niên biết hy sinh thời
giờ, tiền của và công sức cho những người bất hạnh. Ngày nay, tôi gặp lại anh
qua hình ảnh của các thanh niên Nhựt Bản trong trận động đất và sóng thần vừa qua. Và tôi lại
càng xác tín rằng của cải vật chất và cuộc sống tiện nghi không đương nhiên
mang lại hạnh phúc cho con người.
Trong những ngày vừa qua, sau
đại họa ngày 11/3/11, Nhựt bản đuợc thế giới nhắc đến với tất cả ngưỡng mộ
và cảm phục. Lòng quả cảm, sự cương quyết, tình liên đới, tinh thần kỷ luật,
tính lương thiện và hy sinh của người Nhựt được đề cao không ngớt. Nhưng dĩ
nhiên, có dân tộc nào tránh khỏi những vết nhơ trong lịch sử. Làm sao quên đựơc
những tội ác mà ngừơi Nhựt đã gây ra cho các nứơc Đông Nam Á và cả thế giới
trong Đệ nhị thế chiến? Riêng tôi, nhìn
dứơi một góc độ khác, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhứt về Nhựt Bản là tỷ lệ tự
tử tại quốc gia có trình độ văn minh kỹ thuật cao nhứt nhì thế giới này.
Trong ít nhứt một thập niên vừa
qua, mỗi năm có trên 30.000 trừơng hợp tự tử tại Nhựt Bản. Như vậy, trung bình
cứ 15 phút có một vụ. Năm 2007, một thành viên nội các chính phủ là ông
Toshikatsu Matsuoka đã tự tử khi bị điều tra về thâm lạm công quỹ. Cuối năm đó,
chính phủ Nhựt đã tung ra một chiến dịch để đương đầu với nạn tự tử tại nước
này. Đương kim thủ tướng Nhựt bản, ông Naoto Kan đã không ngừng báo động về tỷ
lệ tự tử tại Nhựt; ông xem đây như một chỉ dấu về sự suy thóai xã hội của quốc
gia. Ông cho biết mục tiêu chính trị hàng đầu của ông là “phải giảm thiểu sự bất
hạnh” trong nước.
Năm 2009, tỷ lệ tự tử tại Nhựt
bản gia tăng 2%, nghĩa là trung bình cứ 100.000 ngừời thì có khỏang 26 ngừơi tự
tử. Đây là tỷ lệ cao hơn bất cứ quốc gia Âu châu nào. Các thống kê cũng cho thấy
tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của những ngừời đàn ông trong độ tuổi
từ 20 đến 44 và đàn bà trong độ tuổi từ 15 đến 34. Nhìn chung, thành phần giới
trẻ có tỷ lệ tự tử cao hơn hết.
Nếu trong các nước có truyền
thống Do thái- Kitô giáo, tự tử bị xem như một tội trọng, thì tại Nhựt Bản, tự
tử lại đựơc xem như một cử chỉ cao đẹp. Ông Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo
đã so sánh cái chết của ông Matsuoka với cái chết của một hiệp sĩ Samurai, bởi
vì ông đã tự tử để bảo tồn danh dự. Mới đây, ông Ishihara cũng viết chuyện cho
một cuốn phim có tựa đề “Tôi sẽ chết cho
bạn” để vinh danh các phi công thuộc đội Thần Phong cảm tử đã hy sinh mạng
sống cho tổ quốc trong thời Đệ nhị thế chiến.
Nhưng với những lý do như
chính trị, kinh tế, xã hội khiến nhiều ngừơi dân Nhựt tự tử và tự tử một cách dễ
dàng, thì dù có được đề cao đến đâu, tự tử vẫn là một thái độ chạy trốn trước
cuộc sống. Xét cho cùng, chính vì không hài lòng với cuộc sống mà con người muốn
tự kết liễu cuộc sống. Liệu đương kiêm thủ tướng Naoto Kan có thành công trong
mục tiêu chính trị hàng đầu của ông là “giảm
thiểu nỗi bất hạnh” của dân chúng không?
Tôi cho rằng niềm hạnh phúc của con ngừơi, nhứt là ngừơi dân của những
quốc gia thịnh vượng giàu có như Nhựt bản, không tùy thuộc vào sự an tòan và những
tiện nghi vật chất. Xét cho cùng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để tìm thấy ý
nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có ý nghĩa, dù trong hòan cảnh nào, cũng
luôn mang lại hạnh phúc cho con ngừơi.
Tôi nghĩ đến điều này khi nhìn
thấy thái độ tích cực của giới trẻ Nhựt Bản trong cơn đại nạn vừa qua. Tạp chí
Time, số ra ngày 4 tháng Tư vừa qua, đã đề cao những nghĩa cử cao đẹp của giới
trẻ nứơc này. Trung tâm giải trí “Saitama Super Arena” tại Tokyo nơi thanh niên
thiếu nữ thừơng tụ tập để nghe những buổi trình diễn nhạc Rock, nay đã biến
thành một trại tiếp cư. Mỗi ngày, vào lúc 9 giờ 30 phút sáng, khỏang 500 thanh
niên thiếu nữ được “may mắn” có tên
trong danh sách những thiện nguyện viên được gởi đến các nơi để phục vụ người tỵ
nạn. Khỏang 1500 thanh niên thiếu nữ khác đành phải trở lại vào ngày mai với hy
vọng sẽ được đưa vào các đội thiện nguyện viên. Một số khác, nếu không được làm
công tác thiện nguyện, thì cũng tìm cách góp phần cách này hay cách khác vào việc
giúp đỡ những ngừơi đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như Hikaru Tanaka, một thiếu nữ
chạy theo thời trang theo đúng nghĩa một “cô gái vật chất”, đã cho biết cắt giảm
việc tiêu thụ điện và gởi tiền lên miền Bắc để giúp đỡ các nạn nhân của thiên
tai. Cô nói: “Tôi biết đây chỉ là một việc
nhỏ, nhưng tôi muốn làm tất cả những gì tôi có thể làm. Bây giờ Nhựt bản có thể
“đen tối”, nhưng nếu tất cả chúng ta biết chung sức với nhau, đất nước sẽ sáng
sủa trở lại.” Những ngừơi trẻ âm thầm
đóng góp như cô Tanaka hiện nay không phải là ít.
Nhiều ngừơi Nhựt có tuổi cho rằng
thiên tai vừa qua là “một quả báo” về chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng của xã hội Nhựt
Bản, nhứt là đối với giới trẻ hiện nay. Nhưng như ông Toshihiko Hayashi, một
giáo sư kinh tế tại trường đại học Doshisha ở Tokyo nói, “thường phải có một cuộc khủng hỏang lớn để làm cho xã hội thay đổi”.
Nhựt Bản đã trải qua nhiều tai họa. Trận động đất tại Kanto năm 1923 đã làm thiệt
mạng 140.000 người. Thế chiến thứ hai đã làm cho khỏang 3 triệu người chết và
nhiều thành phố thành tro bụi. Nhưng cứ sau một tai họa, nước này lại vực dậy
và vươn lên cao hơn: cao hơn không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn về những
giá trị tinh thần làm cho cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống hơn cũng như mang lại
hạnh phúc cho con người. Có lẽ trong cơn đại nạn vừa qua, giới trẻ Nhựt Bản đã
chợt nhận ra điều đó khi biết hy sinh một phần tiện nghi riêng và quên mình để
phục vụ những người bất hạnh.
Tôi nghĩ đến ý niệm “tổng sản lựơng hạnh phúc” (Gross
national happiness) mà quốc vương Jigme Singye Wangchuck của Bhutan, một trong
những nước nghèo nhứt thế giới, đã đề ra năm 1972. Quốc vương Wangchuck đã phát
minh ra cụm từ này để bày tỏ quyết tâm muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên
những giá trị tinh thần của Phật giáo, vốn được xem là quốc giáo tại nước này.
Dựa trên những lý tưởng của Phật giáo, ý niệm “tổng sản lượng hạnh phúc” muốn khẳng định rằng sự phát triển tích cực của xã hội lòai ngừơi
chỉ có khi sự phát triển vật chất và tinh thần sánh vai bên nhau để bổ túc và củng
cố cho nhau. Sức mạnh và phúc lợi của một quốc gia không chỉ được cân đo dựa
trên tổng sản lượng quốc gia. Thu nhập đầu người mỗi năm có đến hằng trăm ngàn
Mỹ kim đi nữa cũng không đương nhiên là một chỉ số hạnh phúc của người dân nước
đó. Để sống xứng với phẩm giá của mình, con người cần có những tiện nghi vật chất
tối thiểu. Tuy nhiên, bởi vì con người gồm có thể chất và tinh thần, cho nên một
sự phát triển nhân bản tòan diện đòi hỏi phải phát huy những giá trị tinh thần
giúp cho con người tìm thấy giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
Thiên tai, dưới nhiều hình thức
khác nhau, không ngừng là một tiếng chuông cảnh tỉnh nhắc nhở con người rằng cuộc
sống như hoa sớm nở tối tàn, của cải vất chất và cái đuôi của nó là danh vọng,
quyền lực không phải là cứu cánh của cuộc đời. Mọi sự rồi sẽ qua đi như một giấc
Nam Kha. Còn lại chăng là những giá trị tinh thần như sự vị tha cảm thông, lòng
quảng đại, tinh thần phục vụ, hy sinh quên mình, tâm tình từ bi…bởi vì chỉ những
giá trị ấy mới mang lại hạnh phúc đích thực cho con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét