Chu Thập
16/06/17

Chưa bao giờ tôi thấy mình bị “bỏ lại đàng sau” cho bằng
trong thời đại này. Tôi hoàn toàn bị đẩy ra bên lề các trang mạng xã hội. Với
các phương tiện truyền thông hiện đại tôi cũng hoàn toàn mù tịt. Nói gì đến nhạc
thời trang, nhứt là nhạc trẻ. Nghe như vịt nghe sấm! Nhưng mới đây sau khi xảy
ra vụ khủng bố trong một buổi trình diễn nhạc trẻ tại Thành phố Manchester, Anh
Quốc hôm 22 tháng Năm vừa qua, tôi thấy mình không thể đứng mãi bên lề được nữa.
Tôi bắt đầu làm quen với tên tuổi của ca sĩ Ariana Grande. Lên mạng tìm hiểu, tôi
mới biết cô ca sĩ kiêm diễn viên người Mỹ này chỉ mới 23 tuổi. Mở YouTube, nghe
một ca khúc nổi tiếng của cô là Faith (niềm tin) do Nhạc sĩ mù Stevie Wonder
sáng tác và cùng trình diễn với cô, tôi mới hiểu được tại sao nữ ca sĩ này đã
có một sức thu hút đặc biệt đối với giới trẻ. Ca khúc này gợi lại cho tôi bài
hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy mà tôi đã từng say mê và nghe không
biết bao nhiêu lần. “Lạc loài niềm tin, sống không ngày mai”, bỗng niềm tin trở
lại, làm sao con tim không vui trở lại! Không biết tương lai sẽ đi về đâu trong
thời đại đầy nhiễu nhương và bất ổn này, có lẽ giới trẻ ở đâu cũng cảm thấy lạc
loài. Họ tìm trú ẩn nơi âm nhạc và ca sĩ Ariana Grande có lẽ đã mang lại cho họ
chút niềm tin.
Người ca sĩ trẻ này đã đến Manchester để mang lại chút niềm
tin cho giới trẻ Anh. Thế rồi niềm tin như vỡ tung khi thảm kịch xảy ra cho giới
trẻ Anh và cho chính cô tối ngày 22 tháng Năm vừa qua. Chính cô đã chia sẻ trên
trang mạng Twitter sau khi đã trở về Florida, Hoa Kỳ: “Tan vỡ, tận trong đáy
lòng tôi” (broken, from the bottom of my heart).
Nhưng Ariana Grande đã không chấp nhận để cho niềm tin của
cô và của giới trẻ ngưỡng mộ cô phải tan vỡ. Chính vì vậy mà giữa những hoang
mang, nghi ngại và sợ hãi, chỉ một tuần lễ sau cô đã trở lại một nơi cách địa
điểm khủng bố không đầy 3 cây số. Tại đây, một lần nữa, Ariana Grande đã mạnh mẽ
đưa ra thông điệp: tình yêu thắng hận thù! Tình yêu và sự hiệp nhứt là liều thuốc
mà ngày nay nhân loại cần để chữa trị. Cô đã đánh thức được những gì là tốt đẹp
và nhân bản nhất trong con người.
Trong bầu khí hận thù, bạo động, khủng bố đang đe dọa khắp
nơi, Ariana Grande đã nhắc nhở mọi người rằng nhân loại vẫn còn có thể xây dựng
được những không gian của hòa bình, bao lâu con người còn biết lấy tình yêu để
đáp trả lại hận thù. Từ trên bục giảng trong các nơi thờ phượng, có lẽ các nhà
lãnh đạo tôn giáo cũng chỉ nói được như thế là cùng!
Ariana Grande đã chứng tỏ sức mạnh và sự cảm thông khi
quyết định quay trở lại Manchester để gặp gỡ với các nạn nhân của cuộc khủng bố
và nhứt là để lập lại sứ điệp tình thương và can đảm của cô.
Nghe lại ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa” của nhạc sĩ Hoàng
Thanh Tâm với câu “Vì anh gọi tên em là Nhan Sắc” và nhớ lại câu nói nổi tiếng của
văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) “Cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới”
(Beauty will save the world), tự nhiên tôi cũng muốn đặt tên cho Ariana Grande:
“Tên em là Vĩ Đại”. Thật ra, trong tiếng Ý, ngôn ngữ có lẽ đã từng được sử dụng
trong gia đình di dân gốc Ý của cô, “Grande” có nghĩa là vĩ đại.
Với tôi, Ariana Grande “vĩ đại” không phải vì nhan sắc,
vì tài năng, vì sự trẻ trung của cô, mà vì tâm hồn cô chứa đầy niềm tin, sự
cương quyết, tình yêu và sự cảm thông. Đó cũng chính là “nhan sắc”, là vẻ đẹp
đích thực của cô.
Đó cũng chính là sự vĩ đại mà tôi đã cảm nhận được nơi rất
nhiều người xung quanh tôi. Họ vĩ đại không phải vì sự nghiệp vĩ đại, mà vì từ
trong trái tim âm thầm của họ toát ra những đức tính cao cả nhứt nơi con người
như lòng can đảm, tình yêu thương và sự cảm thông. Họ vĩ đại vì vượt qua được
những bản năng đê hèn để vươn lên đến cái đẹp đích thực trong cuộc sống là tình
người, sự tử tế và tha thứ.
Tôi đã tìm thấy một sự vĩ đại như thế nơi một người tài xế
taxi trong một câu chuyện được ghi lại trong cuốn sách có tựa đề “The Law of
the Garbage Truck” (Qui luật của chiếc xe chở rác) mà mới đây một ông bạn hiền
đã chuyển đến cho tôi. Tác giả của cuốn sách là ông David J. Pollay kể lại rằng
một hôm ông lên taxi để ra phi trường. Chiếc xe taxi đang chạy theo lằn ranh được
qui định trên đường. Bỗng một chiếc xe màu đen phóng ra lấn đường. Người tài xế
taxi đã nhanh chân thắng lại để tránh va chạm với chiếc xe của kẻ lấn đường. Vậy
mà từ bên kia, kẻ vi phạm luật đi đường lại ngoái đầu ra mắng xối xả. Đáp lại,
người tài xế taxi chỉ cười và vẫy tay chào lại. Tác giả của cuốn sách thắc mắc
tại sao anh đã có thể có được một cử chỉ hòa nhã và bình thản như thế. Người
tài xế taxi liền giải thích: “Nhiều người cư xử như xe chở rác vậy. Họ chạy
vòng quanh mang theo rác rưởi của bực dọc, nóng giận và chán chường. Vì rác của
họ đầy ắp, họ cần có nơi để tuôn ra và đôi khi họ trút lên bạn. Đừng mang nó
vào mình. Chỉ cần mỉm cười, vẫy chào, cầu chúc họ may mắn và tiếp tục đi con đường
của mình. Đừng lấy các thứ rác rưởi đó mang đến cho người khác nơi làm việc, dọc
đường hay mang về nhà.”
Có được thái độ bình thản, cảm thông và tha thứ như ông
tài xế taxi trên đây mới thực sự là người vĩ đại. Sự vĩ đại đích thực không khua mõ đánh trống. Sự vĩ đại đích thực
thường được thể hiện bằng sự thinh lặng và thái độ cảm thông.
Cũng trong cuốn sách “Qui luật của chiếc xe chở rác”, tác
giả David.J Pollay còn chia sẻ một bí quyết khác có thể giúp mang lại sự bình
an và làm nên sự vĩ đại đích thực cho con người. Ông gọi đó là “bí quyết
90/10”. Tác giả giải thích rằng 10 phần trăm cuộc đời là những gì xảy đến cho
con người. 90 phần trăm còn lại là những phản ứng của con người trước những hoàn cảnh sống. Hãy thử tưởng tượng một chuyện
nhỏ: một buổi sáng nọ, đứa con gái nhỏ của bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Phản ứng
tự nhiên của bạn là mắng đứa bé. Nó khóc. Bạn liền trách vợ bạn đã đặt tách cà
phê quá gần rìa bàn ăn. Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Bạn đùng đùng bỏ lên lầu
thay áo. Khi bạn trở xuống, con gái bạn vẫn còn khóc và chưa kịp ăn xong bữa điểm
tâm. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước đến trường. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn
phải lái xe đưa con đến trường. Sợ trễ, bạn chạy quá tốc độ cho phép. Bạn không
những bị cảnh sát phạt nặng mà còn đưa con đến trường trễ. Bạn cũng đến văn
phòng trễ và cũng nhận ra rằng bạn đã quên chiếc cặp ở nhà. Bạn đã bắt đầu một
ngày mới một cách buồn bã. Cách cư xử của bạn với các đông nghiệp cũng không được
hòa nhã. Chiều về đến nhà bạn lại thấy vợ con bạn không vui vẻ đón bạn như mọi
ngày... Cả một ngày buồn thảm đã xảy ra cho bạn là bởi bạn đã không làm chủ được
90 phần trăm phản ứng của bạn...Đây có thể là hoạt cảnh thường xảy ra trong cuộc
sống. Tự chủ được để tránh những phản ứng đáng tiếc có thể xảy ra, hẳn phải là
một người vĩ đại mới có thể hành xử được như thế!
Chiều chúa nhựt vừa rồi, tôi được một số người bạn bao vé
và mời lên nhà hát con sò (Opera House) ở
Sydney để xem cuốn phim có tựa đề “Mountain” (núi) được chiếu ra mắt trong đại
thính phòng hòa tấu. Tính độc đáo của cuốn phim là những thước phim về núi được
chiếu trên màn ảnh đi kèm với buổi hòa nhạc trực tiếp do dàn nhạc thính phòng
“The Australian Chamber Orchestra” trình diễn. Cuốn phim tài liệu do nữ Đạo diễn
Jennifer Peedom thực hiện với sự dẫn giải bằng giọng trầm ấm đầy thuyết phục của
Tài tử Willem Dafoe (người thủ vai ác The Green Goblin trong phim Spiderman).
Những thước phim về núi được Đạo diễn Peedom thu thập vừa
cho thấy cảnh bao la và hùng vĩ của núi non vừa ghi lại những bước chân táo bạo
gần như ngu xuẩn trong công cuộc thám hiểm và những trò chơi chết người của con
người.
Người viết truyện phim là ông Robert Macfarlane giải
thích: “Những ngọn núi chúng ta leo không chỉ là đá và tuyết, mà cũng là những
ngọn núi của những ước mơ và khát vọng. Những ngọn núi chúng ta leo chính là những
ngọn núi của tâm trí”.
Nhưng như Willem Dafoe đã dẫn giải trong phần cuối của cuốn
phim, núi vẫn cứ mênh mông, bao la và im
lặng để thách thức sự ngông cuồng và tính hung hãn của con người. Phải chăng núi
chẳng muốn nói với con người rằng những ước mơ vĩ đại của họ thật ra cũng chỉ
là những giấc mơ khờ dại, điên cuồng. Một khi tâm trí của con người không có được
sự khiêm tốn và bình an, thì có lẽ những gì họ đeo đuổi cũng chỉ là hão huyền.
Dường như người làm phim muốn nói lên điều đó chăng khi nhiều lần cho khán giả
xem hình ảnh của một vị sư già trên một
vùng núi cao của Tây Tạng. Dù cho bên ngoài bão tuyết có đe dọa đến đâu, vị sư
già vẫn bình thản thiền niệm. Như Đức Phật đã dạy, có lẽ ông chỉ chú tâm đi tìm
Chân Như. Riêng tôi nhận ra sự vĩ đại đích thực nơi vị chân tu: trong sự thinh
lặng, ông đã nhận ra tính mong manh, nhỏ bé và bất toàn của con người trong vũ
trụ bao la.
Như Nhạc sĩ
Richard Tognetti, tay vĩ cầm chính và là người điều khiển dàn nhạc hòa tấu
The Australian Chamber Orchestra, đã nói: “Ở trên một ngọn núi cao có thể làm
cho tư tưởng con người trong sáng hơn và ở một mình trên một đỉnh núi có thể
làm cho con người xích lại gần với nhân loại hơn”. Tôi tin như thế về vị sư già
Tây Tạng thường xuất hiện trong cuốn phim. Có lẽ cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma là
người cũng đã từng tu tập và thiền niệm trên vùng núi cao của Tây Tạng, nhà sư này hẳn
cũng phải là một người rất gần gũi với người đồng loại. Gần gũi là bởi luôn biết
sống trong thinh lặng và khiêm tốn. Gần gũi cho nên cũng dễ dàng cảm thông với
người khác hơn. Ông chính là hiện thân của sự vĩ đại đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét