Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Khi Ông Già Nobel không còn tuần lộc để cỡi...



Chu Thập
14/12/18
Không biết có phải vì đã đến tuổi “gần đất xa trời” không, tôi thấy mình dễ mủi lòng và mủi lòng vì những chuyện xem ra chẳng ra gì. Chẳng hạn như mới đây khi phải dọn sạch một giàn thanh long bị gió mạnh làm ngã đổ.  So với nhiều nhà Việt Nam ở Sydney, tôi tự kể mình vào số những “nhà nông” có nhiều thanh long và đủ loại thanh long. Tôi đã sưu tầm được cũng đến 6,7 loại thanh long khác nhau. Và cứ hễ có chỗ trống là tôi nhét thanh long vào. Tính ra cũng có đến vài chục gốc. Mỗi gốc thanh long không những là một kỷ niệm, mà cũng là nơi tôi chôn chặt và gắn liền một phần cuộc sống của tôi. Thành ra khi cực chẳng đã phải gỡ bỏ một giàn thanh long bị ngã đổ, tôi cảm thấy bồi hồi xúc động như thể mình đang chà đạp hay xúc phạm đến một sự sống. Nói như thi sĩ Alphonse de Lamartine (1790-1869) của Pháp, vật vô tri (objets inanimés) cũng có một linh hồn khiến ta cứ phải gắn bó với chúng.
Dọn một giàn thanh long của mình bị ngã đổ, tôi bồi hồi xúc động đã đành, tôi cũng có một cảm xúc như thế khi nhìn người ta bày bán những cây thông Giáng Sinh. Cứ bước vào tháng Mười Hai, vào những buổi sáng thứ Bảy, không biết từ đâu đó, người ta chở những cây thông Giáng Sinh xanh tươi đến trước một Hội quán Hướng Đạo gần nhà tôi để bày bán. Lần nào cũng vậy, mỗi lần chạy bộ qua trước ngôi chợ trời  ấy, tôi lại thấy buồn khi nhìn vào những cây thông bị cắt ngang gốc không còn một chút rễ nào bám vào thân. Một số được rước về nhà để làm cây thông Giáng Sinh trong vài tuần lễ. Số phận của những cây thông Giáng Sinh này chắc chắn sẽ rất bi đát: sau lễ, người ta sẽ mang chúng đem quăng vào một xó rừng nào đó hoặc chờ cho chúng khô héo rồi sẽ nhờ thần lửa cho chúng hóa kiếp. Số phận của những cây không được ai rước về nhà có lẽ lại càng bi đát hơn: bị đốn ngã một cách tàn nhẫn, lại không được ai ngó ngàng tới và cuối cùng cũng bị quăng vào lửa!
Theo một ý nghĩa rất phổ biến, cây thông Giáng Sinh là biểu tượng của sự sống. Ở những xứ lạnh, trong mùa đông giá rét, trưng bày trong nhà một cây thông “sống”, nhứt là trên đó có treo lủng lẵng hoa đèn, là muốn thắp lên một ngọn nến của hy vọng và sự sống. Nhưng mỉa mai thay, biểu tượng của sự sống là cây thông Giáng Sinh lại bị cướp mất sự sống tận gốc rễ!
Với tôi, một cây thông Giáng Sinh “chết” trông chẳng khác nào Ông Già Noel không ngồi trên chiếc xe được kéo bởi những con tuần lộc (reendeer), mà lại đến bằng máy bay. Đây là cảnh mà thỉnh thoảng tôi thấy xuất hiện trong một màn quảng cáo trên truyền hình: Ông Già Noel của thời đại đến thăm dân tình bằng máy bay, nhưng chẳng may máy bay ngộ nạn; cảnh cuối của màn quảng cáo thật có hậu: sau khi tiếp cứu Ông Già Noel, đãi ông một bữa no nê, cư dân lại còn kiếm được nguyên một bày tuần lộc để kéo chiếc xe của ông hầu ông có thể tiếp tục sứ mệnh của mình.
Không biết tác giả của màn quảng cáo trên đây có nghĩ xa hơn không. Nhưng tôi nhìn vào đó như một thông điệp rất có ý nghĩa cho thời buổi đang có hiện tượng trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi hiện nay. Bão lụt và hỏa hoạn, với những hậu quả tàn khốc đối với trái đất và cuộc sống con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau, là những biểu hiện khó chối cãi được của khí hậu thay đổi. Khắp nơi trên mặt đất đều đang hứng chịu hậu quả của hiện tượng này. Nhưng dường như một trong những nơi phải bị tàn phá nhiều nhứt vì khí hậu thay đổi có lẽ là quê hương của Ông Già Noel.
Lapland không chỉ là một địa danh chỉ có trong trí tưởng tượng của con người mỗi khi nói đến Ông Già Noel. Đây là một vùng đất có thật ở Bắc Cực, trải dài qua phía Bắc của 4 quốc gia Na Uy, Thụy Điễn, Phần Lan và Nga.
Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy Bắc Cực hiện đang là nơi phải gánh chịu những hậu quả của khí hậu thay đổi nhiều hơn bất cứ một nơi nào khác trên mặt đất. Tại Bắc Cực, nhiệt độ hâm nóng trái đất tăng nhanh gấp 2 lần mức độ trung bình ở những nơi khác. Do đó, hơn bất cứ cư dân nào trên mặt đất, người dân ở Lapland đã bắt đầu cảm nhận được những hậu quả của khí hậu thay đổi.
Rovaniemi, thủ phủ hành chánh của tỉnh Lapland thuộc Phần Lan, đã tự nhận là “Quê hương chính thức của Ông Già Noel”. Đây là nơi mà du khách có thể đến thăm nhân vật huyền thoại này bất cứ ngày nào trong năm, chớ không chỉ trong Mùa Giáng Sinh. Thật ra, Ông Già Noel chỉ chính thức đến cư ngụ tại thành phố Rovaniemi vào năm 1950, khi dinh thự của ông được xây cất.
Toàn vùng Lapland, trải dài từ Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan qua Nga, hiện đang là lãnh thổ của người thổ dân Sami. Nhờ hẻo lánh và nhiệt độ thấp, phần lớn vùng Lapland vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang dã của nó. Chính tính hoang dã này đã cung cấp cho người thổ dân Sami đủ không gian để đeo đuổi nghề truyền thống của họ là chăn nuôi loài tuần lộc.
Tuy nhiên, ngày nay khi trái đất hâm nóng, nhiệt độ ngày càng tăng và bắt đầu làm đảo lộn sinh thái, cuộc sống và sự tồn tại của người thổ dân Sami cũng như của chính Ông Già Noel, đang bị đe dọa.
Tiến sĩ Stephanie Lefrere là một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về loài tuần lộc. Bà đã đến tỉnh Lapland của Phần Lan từ 18 năm qua. Kể từ đó, bà đã quan sát những thay đổi đáng sợ của thời tiết trong vùng và ảnh hưởng của chúng đối với đời sống hoang dã. Bà cho biết khi mới đến vùng này, bà nhận thấy nhiệt độ trung bình trong vùng vào ngày 31 tháng Mười là 20 độ C dưới không. Nhưng nay một nhiệt độ trung bình như thế không còn nữa. Tiến sĩ Lefrere cho biết: gần đây, người dân ở đây nói đến “những mùa Giáng Sinh đen”: đen là bởi vì không còn cảnh tuyết trắng rơi ở phía Nam của Phần Lan nữa. Hơn ai hết, sau gần hai thập niên làm việc tại quê hương của Ông Già Noel, bà Lefrere lại càng xác tín hơn rằng khí hậu thay đổi đã tạo ra những hậu quả khốc liệt đối với sinh thái của vùng Lapland, ảnh hưởng đến đường di chuyển, môi trường sống và ngay cả động thái của loài chim thiên di.
Những thay đổi như thế lại càng có những hậu quả tàn phá hơn nữa đối với các thổ dân Sami, vốn là những người am hiểu về vùng Lapland hơn bất cứ ai. Toàn bộ văn hóa của họ đều xoay quanh thiên nhiên và nhứt là loài tuần lộc. Họ không chỉ sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc, mà còn bằng săn bắn, bắt cá và hái lượm. Nhưng tuần lộc vẫn là biểu tượng trọng tâm của xã hội Sami. Trước kia, hầu như người dân Sami nào cũng sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc. Nay tỷ lệ này chỉ còn là 10 phần trăm. Sở dĩ nhiều người phải bỏ nghề chăn nuôi tuần lộc vì khí hậu thay đổi khiến họ không thể giữ cho tuần lộc được an toàn và khỏe mạnh.
Thời tiết thay đổi bất thường và nhứt là mưa liên tục lại xảy ra trong những tháng lạnh nhứt khiến cho những tảng băng đá vỡ vụn trên đất. Tuần lộc là loài thú sống bằng cách đào tuyết để bới tìm loại rong rêu “lichen” chìm ngập dưới đất. Nay chúng không còn ngửi được mùi rêu này dưới đất nữa. Không đào được thức ăn dưới đá, dĩ nhiên tuần lộc bị kết án phải chết đói mà thôi.
Mà tuần lộc chết thì đương nhiên sự sống còn của người thổ dân Sami cũng bị đe dọa. Tuần lộc là loài thú duy nhứt ở Lapland đã nhào nặn ngôn ngữ cũng như những nghề tiểu công nghệ truyền thống của người dân Sami mà da và sừng của chúng là vật liệu cần thiết. Bà Jamie Staffansson, một nhà hóa học chuyên tranh đấu cho quyền của người thổ dân Sami nói rằng nền văn hóa của người Sami sẽ biến mất cùng với loài tuần lộc (https://www.independent.co.uk/environment/climate-change-lapland-santa-claus-father-christmas-reindeer-global-warming-a8113041.html).
Không những chỉ có người thổ dân Sami mới gánh chịu những hậu quả của khí hậu thay đổi. Tại miền Bắc Phần Lan, kỹ nghệ du lịch là cột sống của kinh tế. Nhưng nhiệt độ ngày càng gia tăng khiến cho vùng này không còn là đất của “mùa đông muôn thuở” nữa. Những môn thể thao mùa đông đang bị đe dọa khiến cho số người hâm mộ các môn thể thao mùa đông cũng thưa dần. Dĩ nhiên những “mùa Giáng Sinh đen” sẽ khiến cho du khách không còn muốn đến Rovaniemi để thăm Ông Già Noel nữa. Du lịch mùa Giáng Sinh đang xuống một cách thê thảm. Trước kia, được mệnh danh là Làng của Ông Già Noel, Rovaniemi mỗi năm trung bình thu hút được 300.000 du khách. Nay họ hướng về phía Bắc và phía Đông Phần Lan, bởi vì ở đây  tuyết vẫn còn nhiều hơn. Sẽ đến một lúc, ngay trên chính “quê hương” của mình, Ông Già Noel sẽ không còn trèo lên chiếc xe được một bày tuần lộc kéo nữa. Cũng như biểu tượng của sự sống là cây thông Giáng Sinh bị tước đoạt sự sống, Ông Già Noel không có đoàn tuần lộc đi hộ tống có lẽ sẽ chỉ còn là một Ông Già Noel què quặt, bệnh hoạn, thiếu sức sống. Tất cả cũng chỉ vì trái đất bị các hoạt động của chính con người hâm nóng và làm cho khí hậu thay đổi.
Bên kia niềm tin tôn giáo, nếu phải tóm tắt ý nghĩa của  Giáng Sinh thành một thông điệp ngắn gọn, tôi cho rằng đây là Mùa của Sự Sống. Sự sống của con người đã đành, mà còn là sự sống của chính trái đất. Thật ra, nếu sự sống của trái đất bị hủy hoại thì chính sự sống của con người cũng bị đe dọa. Tôi tin ở những lời cảnh cáo của các nhà khoa học. Trái đất bị hâm nóng và khí hậu thay đổi chắc chắn không phải là một “cú lừa của Trung Cộng” mà là một thực tế đang diễn ra trước mắt. Chỉ cần một chút thiện chí và  lương thiện để nhìn vào cuộc sống xung quanh cũng đủ để cảm nhận được thế nào là hiện tượng trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi.
Tôi tin lời nhà sinh vật học Richard Attenborough. Mới đây, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Thay đổi do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại thành phố Katowice, Ba Lan, nhà sinh vật kiêm nhà làm phim nổi tiếng này đã cảnh cáo: “Ngay bây giờ đây, chúng ta đang đối diện với một tai họa với qui mô toàn cầu do chính con người gây ra. So với nhiều ngàn năm qua, mối đe dọa lớn nhứt của chúng ta chính là Khí hậu Thay đổi. Nếu chúng ta không bắt tay hành động, thì không bao lâu các nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ và phần lớn thế giới tự nhiên sẽ bị tiêu diệt”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia: “Dân chúng trên toàn thế giới đã lên tiếng. Thông điệp của họ đã rõ ràng. Thời buổi đã cấp bách. Họ muốn quý vị, những người làm chính sách, hãy bắt tay hành động ngay” (https://www.bbc.com/news/science-environment-46398057).
Clive Blazey, sáng lập viên của The Diggers Club, người tiên phong trong việc bảo tồn và phân phối các loại cây và hạt giống không bị biến đổi, trong một bài viết gần đây đã khẳng định: “Rác rưởi là một “sáng chế” của con người...Trong thiên nhiên không có rác rưởi” (Waste is a human invention...There is no wast in nature). Theo ông, một người Úc trung bình tạo ra 2.7 tấn rác một năm hay 7.5 ký rác một ngày. Mặc dù mỗi người chỉ tiêu thụ khoảng 1 ký thức ăn bao gồm rau trái, ngũ cốc và thịt, vậy thì 6.5 ký rác còn lại là từ thức ăn dư thừa và các loại bao bì...Nếu chúng ta giảm được rác rưởi bằng cách dùng bao tái chế và thùng giấy, không mua thức ăn làm sẵn (processed food), không mua quá nhiều thực phẩm, dùng thức ăn thừa nuôi giun (worm farm) và tự trồng rau để ăn hay chí ít trồng một ít rau thơm thường dùng...theo ông Blazey, với một chút cố gắng thực hiện những điều trên, chúng ta có thể giảm được rất nhiều rác. Và ông kết luận: “Không còn thì giờ để phí phạm nữa!”.
Đối phó với hiểm họa trái đất hâm nóng và khí hậu thay đổi dĩ nhiên trước tiên phải là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia. Trong phạm vi nhỏ bé của tôi, sự đóng góp của tôi có lẽ không bằng một giọt nước trong đại dương. Nhưng sống có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình, một cách cụ thể tôn trọng và yêu mến thiên nhiên, sử dụng tài nguyên một cách có ý thức, không vứt rác bừa bãi...ít ra cũng mang lại cho tôi niềm vui và sự an bình, nhứt là trong mùa Giáng Sinh này.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét