15/06/18
Một số địa điểm
như Thụy Điển, Vùng Phi Quân Sự giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, Mông Cổ và Thụy sĩ đã
được đề nghị làm nơi tổ chức cuộc họp
thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un,
nhưng cuối cùng Tân Gia Ba đã được chọn lựa.
Thật ra nhiều người không ngạc nhiên khi Tân Gia Ba được
chọn làm địa điểm của cuộc họp thượng đỉnh lịch sử này. Quốc gia hải đảo với
dân số trên dưới 5 triệu người này có một đội ngũ ngoại giao cũng như an ninh
và tình báo được cả thế giới trọng nể. Quốc gia này cũng đã chứng tỏ là một
trong những nơi an toàn nhất để tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh quan trọng. Thật
vậy Tân Gia Ba đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh cho các quốc gia của
khối Đông Nam Á cũng như nhiều cuộc gặp gỡ song phương khác. Năm 2009, Tân Gia
Ba đã được chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của khối APEC (Hợp tác Kinh tế
Á châu Thái bình dương). Mới nhất là cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận
Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hồi năm 2015.
Tân Gia Ba thường được chọn làm địa điểm của những cuộc họp
thượng đỉnh vì nước này có nhiều khách sạn và trung tâm với nhiều tiện nghi
cũng như được trang bị đầy đủ để bảo đảm an ninh tối đa. Ngoài ra quốc gia giàu
có này cũng cho biết luôn sẵn sàng chịu các phí tổn của các cuộc họp thượng đỉnh.
Đây là điều mà một nước nghèo như Mông Cổ không thể đảm nhận được.
Một trong những lý do khác khiến Tân Gia Ba được chọn làm
nơi gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un chính là vị trí của nước
này. Thật vậy, về mặt địa lý, Tân Gia Ba gần với Bắc Hàn hơn là Thụy Điển hay
Thụy Sĩ. Người dân Bắc Hàn có thể đến Tân Gia Ba dễ dàng hơn là đi qua các nước
Âu Châu.
Ngoài ra còn có một lý do khác quan trọng hơn: cũng như
nhiều nước Đông Nam Á khác, Tân Gia Ba vẫn duy trì các mối quan hệ với Bắc Hàn,
đồng thời cũng giữ liên lạc chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tân Gia Ba đã thiết lập và duy
trì quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn từ hơn 40 năm qua và cũng như nhiều nước
Đông Nam A khác, đã từng có quan hệ ngoại
thương với Bắc Hàn. Nhưng tình hình đã ít nhiều thay đổi sau khi Bắc Hàn chủ
mưu ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Kim
Jong-un tại Mã Lai hồi năm ngoái và nhất là kể từ khi Tổng thống Trump tung ra
chiến dịch trừng phạt kinh tế Bắc Hàn.
Trước năm 2016, người dân Bắc Hàn có thể đến Tân Gia Ba
mà không cần xin chiếu khán nhập cảnh. Nhờ vậy, các viên chức chính phủ Bắc Hàn
có thể đến Tân Gia Ba để chữa bệnh và đi mua sắm. Một cách nào đó, đảng viên và
thành phần giàu có của Bắc Hàn đã ít nhiều làm quen với cuộc sống tại Tân Gia
Ba.
Trước vụ ám sát ông Kim Jong-nam và những biện pháp trừng
phạt kinh tế do Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Hàn, nhiều nước Đông Nam
Á vẫn muốn gia tăng các quan hệ ngoại thương với Bắc Hàn khi quốc gia cộng sản
này tỏ dấu muốn cởi mở về kinh tế và mời gọi nước ngoài đầu tư.
Riêng về quan hệ với Hoa Kỳ, trên danh nghĩa Tân Gia Ba
không phải là một đồng minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, về an
ninh Tân Gia Ba vẫn là một đối tác gần gũi nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.
Xuyên qua nhiều thời tổng thống, các viên chức Mỹ luôn đặt nhiều tin tưởng nơi
cơ quan tình báo, các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao của Tân Gia Ba. Hai
bên đã hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề chiến lược.
Dưới nhiều khía cạnh Tân Gia Ba là nơi an toàn nhất để tổ
chức cuộc họp thượng đỉnh Trump-Un, bởi vì quốc gia hải đảo này có những luật lệ
rất khắt khe để giới hạn các cuộc biểu tình. Tại nước này, phải có giấy phép của
cảnh sát mới được tổ chức những cuộc tập trung công khai. Tại trung tâm Tân Gia
Ba có một công viên có tên là “Góc dành cho các diễn giả” (Speakers’ Corner).
Đây là nơi duy nhất được phép biểu tình mà không cần xin phép. Tuy nhiên ngay cả
tại nơi này cũng có một số giới hạn: không cần giấy phép, nhưng cũng phải có sự
chuẩn thuận của chính quyền và người ngoại quốc tuyệt đối không được phép tham
dự!
Khi được báo chí hỏi: liệu có phải vì Tân Gia Ba giới hạn
các cuộc phản đối mà nước này được chọn làm địa điểm của cuộc gặp gỡ giữa Tổng
thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không, Tòa Bạch Ôc chỉ trả lời rằng chính
phủ “đã trình bày quan điểm của chúng tôi và tin tưởng ở tự do ngôn luận”.
Là một quốc gia thịnh vượng, tân tiến được xây dựng trên
một số giá trị của nền dân chủ Tây Phương, nhưng Tân Gia Ba đã bị chỉ trích nhiều
vì áp dụng luật pháp và trật tự một cách độc tài với những hình phạt mà thế giới
cho là quá nặng đối với một số hành vi phạm pháp như nhai kẹo cao su, khạc nhổ
và vẽ bậy. Ngay cả quan hệ tính dục giữa nam đồng tính cũng bị trừng phạt. Các
tổ chức bênh vực nhân quyền đã không ngừng lên tiếng chỉ trích Chính phủ Tân
Gia Ba vì mỗi năm phạt đánh roi hàng trăm tù nhân. Hình phạt này được thế giới
biết đến vào năm 1994 khi một thiếu niên Mỹ tên là Michael Fay bị đánh roi vì vì
vẽ bậy lên xe và các nơi công cộng. Chính phủ Mỹ, kể cả đích thân Tổng thống
Bill Clinton có lên tiếng xin tha, Tân Gia Ba vẫn ra lệnh dùng roi trừng phạt
người thiếu niên. Phản đối là một hành động hầu như là bất hợp pháp tại Tân Gia
Ba. Đây có thể là điều mà cả Tổng thống Trump lẫn chế độc độc tài Kim Jong-un đều
tán thành.
Chính vì Tân Gia Ba luôn giới hạn quyền tự do phát biểu
mà một người Úc đóng vai Chủ tịch Kim
Jong-un đã bị giữ lại tại phi trường và bị các giới chức an ninh thẩm vấn vì
chính kiến của mình. Tuy nhiên, sau đó người đàn ông tự xưng là Howard X, với
khuôn mặt, mái tóc, y phục đại cán và điệu bộ rất giống với Chủ tịch Kim, đã được
nhận diện tại trung tâm Thành phố Tân Gia Ba; ông đi rảo phố, bắt tay và chụp
hình với dân chúng. Nhân vật Kim Jung-un “giả” này cho biết mục đích của chuyến
đi của ông là để cầu chúc cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Un được thành công mà
thôi.
Tuy trung tâm Thành phố Tân Gia Ba là một nơi rất an toàn
cho các cuộc họp thượng đỉnh, nhưng địa điểm của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống
Trump và Chủ tịch Un lại là một đảo nhỏ có tên là Sentosa. Sentosa có diện tích
khoảng 5 cây số vuông, nằm cách đảo chính khoảng nửa cây số. Đây là hòn đảo lớn
thứ tư của Tân Gia Ba. Đảo Sentosa có 3.2 cây số đường biển gồm toàn cát trắng.
Trên đảo có một khách sạn 5 sao có tên là Capella Hotel. Đây chính là nơi diễn
ra cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.
So với cuộc sống nhộn nhịp quay cuồng ở trung tâm Thành phố Tân Gia Ba, Sentosa là một nơi rất
yên tĩnh.
Ngày nay đến Sentosa, du khách chỉ thấy bãi biển, các
khách sạn sang trọng, các sòng bài và sân Golf, nhưng trong thời Đệ nhị Thế chiến
đây là nơi đã từng được quân đội Nhật dùng làm chỗ để giam giữ các tù binh Anh
và Úc Đại Lợi. Sentosa cũng đã từng là nơi một số người Tân Gia Ba gốc Hoa bị xử
tử vì bị tình nghi hoạt động chống lại Nhật Bản.
Chỉ từ thập niên 1970, sau một cuộc thi đặt tên hòn đảo
do bộ du lịch Tân Gia Ba tổ chức, hòn đảo này mới được gọi là Sentosa, theo tiếng
Mã Lai có nghĩa là “an bình và thanh thản”. Sentosa bắt nguồn từ “Santosha”
trong tiếng Phạn (Sancrit) có nghĩa là “hài lòng, thỏa mãn”. Trước đó, tên của
đảo này là Pulau Blakang Mati, có nghĩa là “Đảo nơi Tử Thần đang chờ đợi”.
Đảo Sentosa đã trải qua nhiều lần thay tên đổi họ. Cho đến
năm 1830, hòn đảo này có tên là Pulau Panjang, nghĩa “đảo dài”. Không rõ tại
sao hòn đảo này lại được cải tên thành Pulau Blakang Mati.
Có người cho rằng sở dĩ hòn đảo này được đặt tên là “Đảo
nơi Tử Thần đang chờ đợi” là bởi vì nó đã từng là cứ địa của bọn cướp biển và
do đó cũng là nơi diễn ra các vụ cướp bóc, giết người.
Theo một giải thích khác, được gọi là “Nơi Tử Thần chờ đợi”
bởi vì đây là nơi hồn các tử sĩ chọn làm nơi cư trú vĩnh viễn.
Cũng có người cho rằng sở dĩ được đặt tên là “nơi Tử Thần
đang chờ đợi” bởi vì vào thập niên 1840, một cơn dịch bệnh đã bùng nổ trên đảo
và quét sạch toàn bộ cư dân đầu tiên trên đảo là sắc tộc Bugi. Theo Bác sĩ
Robert Little, người được giao mở cuộc điều tra về cái chết hàng loạt của người
Bugi, nguyên nhân cái chết là một loại sốt được gây ra bởi một loại khói bốc
lên từ lá khô pha trộn với nước bẩn trên đảo.
Giải thích hợp lý hơn có lẽ là tình trạng khô cằn, thiếu
đất canh tác của hòn đảo. Nhìn từ biển khơi, cảnh trí của hòn đảo xem ra không
“bắt mắt” đối với các thủy thủ.
Ngay cả cho tới thập niên 1990, Chính phủ Tân Gia Ba cho
xây dựng nhiều công trình trên đảo để thu hút du khách. Nhưng Sentosa vẫn chưa
đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Nhiều người mỉa mai nói rằng Sentosa là tên viết
tắt của câu “So Expensive and Nothing to See Also”, nghĩa là “Quá đắt và cũng
chẳng có gì để xem”.
Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Sentosa đã được Anh quốc biến
thành một pháo đài quân sự lấy tên là Fort Siloso. Nhưng dù được trang bị tận
răng, pháo đài này cũng không đủ sức chống trả trước sức tấn công của quân đội
Nhật. Năm 1942 quân Đồng minh đầu hàng. Pháo đài Fort Siloso được quân đội Nhật
biến thành một trại tù để giam giữ các tù binh Anh và Úc. Đây cũng là thời gian
mà có đến 300 người dân gốc Hoa vì tình nghi có hoạt động chống lại Nhật Bản đã
bị xử tử trên đảo này.
Năm 1943, Nhật Bản đầu hàng. Tân Gia Ba được trao trả lại
cho Anh Quốc. Pháo đài Fort Siloso trên Đảo Sentosa biến thành một quân trường
để huấn luyện các tân binh người địa phương trước khi gởi họ đến những đơn vị
khác của quân đội Anh tại Tân Gia Ba.
Năm 1967, Anh Quốc trao trả độc lập cho Tân Gia Ba. Căn cứ
quân sự trên Đảo Sentosa được giao cho quân đội Tân Gia Ba.
Vào thập niên 1970, Chính phủ Tân Gia Ba quyết định biến
Đảo Sentosa thành một địa điểm du lịch cho người trong nước và du khách nước
ngoài. Với mục đích này, nhiều thế hệ người dân gốc Hoa và Mã Lai đã từng sinh
sống trên đảo bị chính phủ dời vào Tân Gia Ba và cho cư trú trong những căn hộ
nhỏ bé, nhưng giá cao.
Đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi. Nổi tiếng là
“Đảo Tử Thần” trong thời Đệ nhị Thế chiến, Sentosa cũng được biết đến như một
nơi lưu đày của một số nhà bất đồng chính kiến. Năm 1989, cựu tù nhân chính trị
đã từng được đề cử lãnh giải Nobel Hòa Bình là ông Chia Thye Poh đã từng bị lưu
đày tại Sentosa 3 năm rưỡi sau khi bị giam tù 23 năm.
Có phải đây là hình ảnh của một quốc gia mà một chế độ độc
tài khát máu như Bắc Hàn và một ông tổng thống luôn lên tiếng ca ngợi các chế độ
độc tài đã chọn để gặp nhau không?
(nguồn:
-https://www.cnbc.com/2018/06/08/why-trump-and-kim-picked-singapore-for-meeting.html
-https://en.wikipedia.org/wiki/Sentosa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét