Chu Thập
27/04/18
Tạp chí Time vừa cho công bố danh sách 100 người được xem
là có nhiều ảnh hưởng nhứt trên thế giới hiện nay. Có tên trong danh sách những
nhà lãnh đạo quốc gia năm nào mà chẳng có Tổng thống Donald Trump, chủ tịch “mãn đời” Tập
Cận Bình của Trung Cộng, chủ tịch “cha truyền con nối” Kim Jong-un của Bắc Hàn.
Không hiểu sao năm nay, tên của tổng thống Nga Vladimir Putin lại lọt ra khỏi
danh sách. Dĩ nhiên, chẳng có ai ngạc nhiên về “ảnh hưởng” của Tổng thống Trump. Nhưng “tốt hay xấu còn
tùy người đối diện”. Như bên Đức chẳng hạn, một cuộc thăm dò mới đây do Viện
Forsa Institute thực hiện cho thấy hơn 75 phần trăm những người được hỏi ý kiến
cho rằng Tổng thống Trump là người đe dọa
hòa bình thế giới còn hơn cả tổng thống
Nga Putin. Không biết có phải vì vậy mà
một người gây sóng gió khắp nơi như ông Putin lại không được Tạp chí Time chiếu
cố tới không. Nhưng riêng về Tổng thống Trump, điều gây ngạc nhiên cho độc giả
của báo Time là năm nay, người viết lời giới
thiệu về ông lại là Thượng nghị sĩ Ted Cruz.
Thượng nghị sĩ này đã từng cùng với Tổng thống Trump chạy
đua vào Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử hồi tháng Mười Một năm 2016. Đây là hai đối
thủ được xem là nặng ký nhứt trong nội bộ Đảng Cộng Hòa. Trong cuộc bầu cử sơ bộ
ở cấp tiểu bang, họ đã không từ một mánh khóe hay lời lẽ nào để hạ bệ nhau. Với
biệt tài sáng chế ra các thứ hỗn danh để tặng cho đối thủ của mình, ứng cử viên
Trump đã gọi ông Cruz là “Ted dối trá” (Lyin’ Ted). Không dừng lại ở đó, ông
Trump còn mang cả gia đình của ông Cruz ra tấn công và nhạo báng. Không những
ông chê thậm tệ bà Heidi Cruz, vợ ông Cruz, mà còn đào mả cả cha ông Cruz lên để
chửi khi khẳng định rằng ông này đã tham gia vào âm mưu sát hại cố tổng thống
J.F Kennedy. Thật ra, đâu có riêng gì Thượng nghị sĩ Cruz, hầu như đối thủ
chính trị nào của ông Trump cũng đều bị ông xem là những kẻ dối trá cả. Tội nghiệp bà Hillary
Clinton. Cho đến nay, cứ mỗi lần nhắc đến tên bà, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ lúc nào cũng
kèm theo hai chữ “lươn lẹo” (Crooked Hillary).
Riêng ứng cử viên Cruz cũng không vừa gì. Ông cũng ăn miếng
trả miếng đâu có thua gì ông Trump. Tại một cuộc vận động ở Tiểu bang Indiana,
ông gọi ông Trump là một đứa con nít và nói với các phóng viên: “Người này (ông
Trump) là một kẻ dối trá bệnh hoạn. Hắn ta không biết phân biệt sự thật và dối
trá...Bất cứ điều dối trá nào hắn nói ra, hắn đều tin ngay tức khắc...Người này
là một kẻ cực kỳ vô đạo (utterly amoral). Donald là một kẻ chuyên bắt nạt...Hành
động bắt nạt không đến từ sức mạnh, mà đến từ sự yếu đuối”.
Thượng nghị sĩ Cruz đã chống ứng cử viên Trump đến độ tại
Đại hội Đảng Cộng Hòa để chính thức đề cử ông Trump làm ứng cử viên của Đảng,
ông đã bị đám đông la ó khi tuyên bố dứt
khoát không ủng hộ ông Trump và kêu gọi
mọi người hãy bỏ phiếu theo lương tâm.
Người ta tưởng ông Cruz sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ
đã nhạo báng vợ mình và nhục mạ thân phụ của mình. Vậy mà trong lời giới thiệu về Tổng thống Trump trong danh sách
100 người có nhiều ảnh hưởng nhứt trên thế giới hiện nay, Thượng nghị sĩ Cruz
đã quay đúng 180 độ để ca ngợi đối thủ của mình. Trong một cuộc song đấu công bằng
diễn ra trong tinh thần thượng võ, đây có thể là một hành động đáng ca ngợi.
Nhưng trong chính trường, vốn là sân đấu mà sự dối trá và bôi bác thường được
xem là luật chơi, quên thù riêng để tâng bốc đối thủ của mình như Thượng nghị
sĩ Cruz đã làm là một thái độ khiến cho nhiều người phải đặt câu hỏi và hoài
nghi về sự lương thiện của các chính trị gia.
Có lẽ chưa bao giờ ở Mỹ và trên thế giới, người ta nói đến
sự dối trá cho bằng kể từ khi nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump trở thành tổng thống
của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Hai chữ “tin giả” do ông bỏ công quảng bá đã trở
thành thời thượng. Hễ cứ phê bình hay chống lại ông là “tin giả”. Cái mũ “tin
giả” được ông chụp lên hầu hết các cơ quan truyền thông chính tại Hoa Kỳ. Vì “bịa
đặt” cho nên truyền thông Mỹ đã bị ông xếp vào hàng ngũ “kẻ thù của nhân dân”.
Nói chung, với Tổng thống Trump, hễ cứ đụng tới cá nhân
ông là “dối trá”. Cựu giám đốc Cơ quan Điều tra Trung ương FBI James Comey bị ông dán cho một cái nhãn “dối trá” to tướng
lên người vì dám cả gan viết hồi ký để
bêu diễu ông như một “người nói dối bẩm sinh” (congenital liar), “không còn bị
ràng buộc bởi sự thật” (untethered to
Truth) và “cực kỳ vô luân” (utterly amoral). Dường như cuộc “nội chiến” ở Mỹ hiện
nay là cuộc chiến giữa Sự Thật và Dối Trá. Làm gì thì làm, hễ cứ có đụng độ
nhau thì người ta lại lôi hai chữ “dối trá” ra như một thứ võ khí để tấn công nhau.
Dù sao, cuộc chiến ấy cũng chẳng làm chết ai cả. Có chết
chăng là cái chết trong lương tâm tập thể của cả một quốc gia mà thôi. Chưa bao
giờ ở Mỹ người ta nói đến thời “hậu sự thật” (post truth era) cho bằng hiện
nay. Như thể hai chữ “Sự Thật” đã biến mất khỏi từ điển Anh ngữ đang được sử dụng
tại Hoa Kỳ. Chỉ tội cho một số nước nơi một số nhà lãnh đạo đang để lòi cái
đuôi độc tài của họ ra. Trong khi ở Mỹ, dù cho truyền thông có loan “tin giả” cỡ
nào đi nữa, cho tới nay chẳng có ký giả nào bị bỏ tù và cũng chẳng có tờ báo độc
lập nào bị đóng cửa thì tại một số quốc gia như Phi Luật Tân, Thổ Nhĩ Kỳ hay
ngay cả Miến Điện là quốc gia hiện đang được lãnh đạo bởi một người đã từng được
trao tặng Giải Nobel Hòa Bình chẳng hạn, kể từ khi cái mũ “tin giả” bị chụp xuống
các cơ quan truyền thông độc lập, nhiều nhà báo đã khốn đốn và một số cơ quan
ngôn luận đã bị đóng cửa hay phải tự ý đóng cửa. Ngay cả tại một nước thành
viên của Liên Âu như Hung Gia Lợi, “tin giả” không còn nữa, bởi vì mọi cơ quan
ngôn luận đều nằm gọn trong tay của chính phủ.
Suy nghĩ về hai chữ “dối trá” trên thế giới hiện nay, dĩ
nhiên tôi không thể không liên tưởng đến Việt Nam của tôi, nhứt là khi người Việt
tỵ nạn đang chuẩn bị tưỏng niệm ngày 30 tháng Tư. Với tôi, cuộc chiến tại Việt
Nam không chỉ là cuộc chiến bằng súng đạn, mà thiết yếu là cuộc chiến giữa Sự
Thật và Dối Trá và cuối cùng, sự thất thủ của Miền Nam Việt Nam thiết yếu cũng
là chiến bại của chính Sự Thật. Chế độ cộng sản nào cũng đều được xây dựng trên
dối trá. Chế độ cộng sản nào cũng tồn tại dựa trên dối trá.
Mới đây, tại Cuba, Chủ tịch Raul Castro rút lui để nhường ngôi
cho một đảng viên cộng sản khác là ông
Miguel Diaz-Canel. Cũng như trong các chế độ cộng sản khác, ông Diaz-Canel đã “đắc cử” chủ tịch với 99.83 phần trăm số phiếu
của Quốc hội Cuba. Ông Diaz-Canel chỉ mới 57 tuổi, nghĩa là sinh sau năm 1959,
tức năm ông Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng “vô sản” và lên cầm quyền cho
đến năm 2008 và truyền ngôi lại cho em ông là ông Raul Castro. Nhiều người hy vọng
sẽ có sự thay đổi tại quốc gia cộng sản này: ông Diaz-Canel chào đời sau cuộc
cách mạng năm 1959 và dòng họ Castro coi như đã cáo chung. Thật ra, bao lâu đảng
cộng sản vẫn còn đó thì sự dối trá vẫn tiếp tục ngự trị và bao lâu sự dối trá vẫn
còn là cột sống của chế độ, thì không cần phải là một nhà tiên tri, ai cũng có
thể thấy trước khó có thể có sự thay đổi thật sự ở quốc gia hải đảo nghèo nàn lạc
hậu này.
Cũng mới đây, nhiều người đã tỏ ra lạc quan khi nghe tin
Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn tuyên bố giải trừ vũ khí hạt nhân. Những người
ủng hộ Tổng thống Trump, như Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã viết trong lời giới thiệu
về ông Trump, tin rằng chính vì “Tổng thống
Trump tỏ ra cứng rắn với Bắc Hàn mà Kim Jong-un mới chịu nhượng bộ ”. Tuy
nhiên, nhận định về lời tuyên bố giải trừ võ khí hạt nhân của Kim Jong-un, nhà
báo Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt bên Mỹ đã có lý để khuyên Tổng thống Trump
nên nhớ lại lời cảnh cáo của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những
gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Trong bài giới thiệu về
Kim Jong-un trong danh sách 100 người có nhiều ảnh hưởng nhứt trên thế giới,
ông Hyeonsed Lee, một người đã đào thoát khỏi Bắc Hàn năm 1997, đã đưa ra một lời
cảnh cáo đáng sợ. Theo ông, mặc dù đã tiếp cận với nền dân chủ và chủ nghĩa tư
bản khi theo học tại Thụy Sĩ, Kim Jong-un lại tỏ ra tồi tệ hơn cha ông. Ông Lee
cho biết: “Tại Bắc Hàn, hiện có trên 100.000 người phải đối diện với sự tra tấn
và cái chết trong các trại tập trung lao động khổ sai. Đây là nơi mà một người
đào tẩu đã chứng kiến cảnh một người mẹ bị buộc phải nhận nước đứa con thơ của
mình. Để tỏ ra trung thành với chế độ, người ta phải tỏ ra câm điếc, mù lòa trong
các trại khổ sai và trước các cuộc hành hình công khai. Các vệ binh có võ trang
đang tuần tiễu tại dòng sông nơi mà tôi đã trốn qua Trung Cộng hồi năm 1997. Mới
đây họ đã bắn gục một người phụ nữ khi bà tìm cách bơi qua giữa ban ngày. Tôi
đã không bao giờ đào thoát được dưới chế độ Kim Jong-un. Hắn ta là người nguy
hiểm nhứt trên trái đất”.
Có người nại đến sức mạnh kinh tế hiện nay của Trung Cộng
để biện minh cho các chế độ cộng sản. Với sức mạnh kinh tế, Trung Cộng hiện
đang muốn lãnh đạo thế giới về mọi mặt, dĩ nhiên kể cả trong việc kiểm soát chặt
chẽ các cơ quan truyền thông xã hội và bóp nghẹt mọi tiếng nói của Sự Thật. Dù
có hùng cường cỡ nào, trong thực chất, Trung Cộng vẫn là một chế độ xây dựng
trên dối trá và tồn tại nhờ dối trá.
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã và đang đi theo con
đường phát triển của Trung Cộng. Nhờ cởi mở về kinh tế, Việt Nam đã làm được những
bước phát triển đáng kể. Nhưng song song với sự phát triển đó, chế độ cộng sản
Việt Nam ngày càng siết chặt truyền thông, bóp nghẹt mọi tiếng nói của Sự Thật,
giam giữ và đàn áp dã man tất cả những ai dám nói lên Sự Thật. Sau 43 năm áp đặt
chủ nghĩa cộng sản lên Miền Nam, người cộng sản ngày càng củng cố chế độ bằng sự
dối trá. Ngoại trừ một số ít những nhà bất đồng chính kiến và những người dám
nói lên Sự Thật, để sống còn trong chế độ dối trá, phần lớn đều cam chịu và ít
hay nhiều thỏa hiệp với sự dối trá. Sự xuống cấp và băng hoại xã hội nói lên
thái độ thỏa hiệp ấy.
Là người tỵ nạn cộng sản, tôi bỏ nước ra đi để mong được
sống tự do và tìm một cuộc sống tốt đẹp xứng với phẩm giá con người. Bao lâu
còn là người tỵ nạn, bấy lâu tôi vẫn còn là người chống cộng. Và chống cộng đối
với tôi trên hết chính là chống lại dối trá, lươn lẹo, lường gạt và lừa bịp người
khác.
Cuộc chiến chống Dối trá không ở đâu xa cả. Nó ở ngay
trong chính bản thân tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét