Chu Thập
Đầu năm 2010
Những ngày đầu
năm Âm lịch, nhớ nhà, tình cờ đọc được chuyện ngắn “Xóm Nhỏ” của nhà văn Võ Phiến, tôi lại càng thấy nhớ nhà hơn.
Nhân vật xưng
“tôi” trong câu chuyện mở đầu như sau: “Buổi
chiều hôm đó, lúc trời đã gần tắt nắng tôi mới bắt đầu. Đây là bắt đầu chuyến
đi loanh quoanh trong xóm thôi. Lần nào cũng vậy, mỗi lần về làng sau khi vắng
mặt năm ba tháng tôi vẫn có thói quen dạo xóm một vòng, trông lại nhà cậu này mợ
kia, xem qua bờ rào ông này vườn chuối bà nọ v.v…Thường tôi có loanh quanh như
thế. Như là để sờ sẫm lại xóm làng. Và thường khi mọi cái vẫn nguyên như cũ. Những
mỗi chuyến đi về vẫn cứ có việc sờ sẫm. Bất giác, vu vơ.” (Võ Phiến,Võ Phiến
Toàn Tập)
Tôi nghĩ những
dòng trên đây có lẽ là tâm sự của chính tác giả, vốn cũng là một người miền
Trung như tôi. Và tôi cũng không hiểu tại sao tâm sự ấy lại cũng giống “y
chang” tâm sự của tôi.
Hồi đó, học xa
nhà, mỗi năm tôi chỉ được về nhà vào dịp Tết và 2 tháng nghỉ hè lớn. Như một
nghi thức không bao giờ thiếu, cứ buổi chiều đầu tiên trong kỳ nghỉ, tôi đi rảo
qua các ngôi nhà quen thuộc trong xóm rồi vòng ra ruộng cách nhà chừng 10 phút
đi bộ. Ở đó, tôi chọn một bờ cao và ngồi nhìn ngắm bức tranh quen thuộc của đồng
ruộng. Cũng vẫn những đám mạ xanh đó. Cũng vẫn những ruộng lúa đang trổ đòng đòng
đó. Cũng vẫn mấy cái mương dẫn nước vào ruộng đó. Cũng vẫn tiếng nhái cơm nhái
bầu kêu mỗi khi chiều về. Cũng vẫn bầy cò trắng đang bay về tổ ở một ngọn núi nằm
sau một cái làng mà tôi ít dám đến: đó là ngôi làng nổi tiếng có nhiều người
lên núi đi theo “phía bên kia”. Cứ đêm đến, từ ngôi làng ấy, vọng lại tiếng trống
“cà tum tum” nghe rợn tóc gáy của “mấy ổng”. Có những buổi sáng, sau một đêm đụng
trận giữa quân đội quốc gia và mấy ổng, người ta lôi xác mấy ổng ra phơi ở đầu
làng tôi để cho thân nhân bà con của mấy ổng nhận diện và đem về chôn cất.
Làng tôi được
cái không có người đi theo phía bên kia. Mọi người, nếu không bà con ruột thịt,
thì cũng “giây mơ rễ má” với nhau đến cả 9 đời, bởi vì “chín đời không nhìn trời
đánh”. Thành ra, cứ ra đường gặp nhau, không ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ,
chú thím, dì dượng… thì cũng anh chị em với nhau. Đã vậy, chào nhau thì phải
chào cho đúng thứ vị trong gia đình và nhứt là không được phạm húy. Có những
ông Ba Tam, Bà Chín Tứ, Bác Năm Mạch, Dượng Tám Ca…được tôi chào hỏi cả đời mà
cho tới nay vẫn chưa biết được đích danh của họ là gì. Những cái tên đi kèm
theo thứ vị của họ là tên của người con cả của họ. Cho tới khi biết đọc biết viết,
cầm bản “thế vì khai sinh” trong tay, tôi mới biết được tên cha mẹ tôi và kể từ
đó, tôi sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ ai đụng đến tên của các ngài. Sau này,
tôi cũng biết rằng trong đại gia đình, tên tôi cũng “bất khả xâm phạm” như thế.
Có lần một đứa cháu con bà chị cả tôi gọi đích danh tôi là “Cậu Thập”. Chị cả
tôi liền mắng nó “tại sao dám hỗn” như vậy và dạy nó phải gọi tôi bằng “Cậu Mười”,
vì tôi vốn là con thứ 10 trong gia đình.
Cái thứ vị “đáng
kính” ấy cũng theo tôi ra ngoài đường. Chỉ cần 5 phút đi bộ trong xóm, tôi sẽ
được chào hỏi với đủ thứ vị như bác Mười, chú Mười, cậu Mười, anh Mười, em Mười…Tôi
luôn cảm nhận được cái tình bà con hàng xóm ấy. Cũng như nhà văn Võ Phiến, mỗi
lần về thăm nhà, tôi thấy cần phải đi bách bộ trong xóm làng để “sờ sẫm” cho bằng được cái tình nghĩa xóm
làng ấy.
Từ ngày bỏ nước
ra đi, nếu phải nói đâu là sự mất mát lớn nhứt, tôi không ngần ngại trả lời rằng
đó là tình nghĩa xóm làng.
Cái “xóm nhỏ” nơi tôi ở hiện nay thật dễ
thương, nhưng không thể nào thay thế được cái xóm làng mà tôi đã mất.
Con đường cụt của
xóm tôi được gọi bằng tiếng Anh là “Close”.
Hiểu là “đóng kín” cũng được, mà hiểu theo nghĩa “gần gũi, thân thiện” thì có lẽ
hay hơn. Tôi đã đếm thật kỹ: con đường chữ L này chỉ đúng 20 ngôi nhà. Hầu hết
những người ở bên số chẵn là những người về hưu. Phía bên kia là những cặp vợ
chồng trẻ hoặc trung niên. Cặp vợ chồng trẻ với hai con nhỏ cạnh nhà tôi là những
người thích sinh hoạt xã hội nhứt xóm: họ thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt
để qui tụ những người trong xóm lại và mới đây đã cho làm một hồ tắm phía sau
nhà; trẻ con trong xóm có dịp vui đùa với nhau. Tôi biết mặt hầu hết trẻ con
cũng như người lớn trong cái xóm nhỏ này. Nhưng tên tuổi thì tôi chịu thua. Gặp
nhau chào hỏi mỗi ngày, nhưng bà con hàng xóm của tôi tên gì, tôi không hề biết.
Tội nghiệp cho cái ông có cái chân khập khiễng. Ông là người niềm nở và dễ
thương nhứt xóm. Nhưng vì không biết tên ông, cho nên vợ chồng tôi bất đắc dĩ khi
đề cập đến ông phải dùng bằng một cái tên hơi bất kính: “ông Cà Thọt”. Không biết tên tuổi đã đành,
chúng tôi cũng chẳng rành đến nghề nghiệp của họ. Ngoài một người làm cho sở cứu
thương, tôi không biết những người hàng xóm của tôi làm nghề gì; bà hàng xóm
bên phải, cứ 5 giờ sáng rồ máy xe ra; ông chồng thì ở nhà trông coi hai đứa con.
Chỉ có một người tôi biết rõ đã từng làm giáo viên dạy âm nhạc trong một trường
tư, đó là cụ bà trên 84 tuổi ở bên trái. Chồng chết cách đây 3,4 năm, con cái
đã lập gia đình và ở riêng; cụ bà sống một mình. Nhiều lúc tôi cảm thấy ái ngại
cho bà. Một tuần đôi ba ngày, nhân viên xã hội đến chăm sóc bà. Phần lớn thời
gian, bà sống một mình và tự lập trong mọi chuyện. Nhưng có những bất trắc của
tuổi già làm sao có thể ngờ được. Nghĩ đến các cụ già trong xóm làng của tôi
ngày xưa, tôi thấy thương bà cụ. Đêm đến, tôi cứ nhìn qua nhà bà để xem còn có
ánh đèn không.Thỉnh thoảng tôi lại liếc mắt để biết chắc là bà vẫn “còn đó”.
Tôi cứ nghĩ đến cảnh những người già neo đơn chết trong nhà đến cả tuần mà chẳng
ai hay biết. Có lúc tôi mang mặc cảm “thiếu sót bổn phận” đối với bà. Giá ở Việt
nam thì chắc chắn mỗi ngày tôi đã “tự nhiên như người Hà nội”, không cần bấm
chuông gõ cửa, bước thẳng vào nhà bà để nếu không săn sóc bà, thì ít nhứt cũng
tỏ cho bà thấy rằng tôi quan tâm đến bà.
Cái xóm nhỏ của
tôi dễ thương thật. Chỉ có điều, cái khoảng cách vô hình giữa tôi và họ vẫn còn
đó. Có lẽ do lỗi của tôi hơn là do họ tạo ra. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của
ai đó: “con người đã lên mặt trăng và dự
trù sẽ thám hiểm các hành tinh khác, nhưng xem ra vẫn chưa băng qua được con đường
trước mặt để đến với người hàng xóm.” Ngày nay, do sự phát triển theo tốc độ
chóng mặt của hệ thống thông tin toàn cầu, thế giới đã trở thành một ngôi làng
nhỏ. Chỉ trong tích tắc đồng hồ, chuyện xảy ra ở đầu thế giới bên này đã được
người ở đầu bên kia thế giới biết. Vậy mà, chắc chắn có nhiều chuyện xảy ra
trong 20 căn hộ trong cái xóm này mà tôi chẳng hề biết.
Càng lúc tôi
càng thấy rõ những khác biệt về văn hóa giữa người với người. Văn hào Anh
Rudyard Kipling đã có lý để nói: Đông là
Đông và Tây là Tây. Nhưng khác biệt không hề có nghĩa là không thể gặp nhau
và cảm thông với nhau.
Một linh mục dòng
Tên ngoại quốc truyền giáo tại Việt nam trước năm 1975 có kể lại rằng một linh
mục cùng dòng với ông làm giáo sư tại Đại Học Huế chẳng may qua đời trong một
tai nạn giao thông. Vì thương mến vị giáo sư, các sinh viên Việt nam tổ chức một
tang lễ thật long trọng. Họ chụp hình từng chi tiết, từ lúc vị linh mục nằm xuống,
được tẩm liệm cho đến lúc tống táng. Tất cả những tấm hình được ghép lại thành
một cuốn Album. Để gọi là tỏ lòng thương nhớ người quá cố và chia sẻ niềm đau của
tang gia, các sinh viên Việt nam mới gởi cuốn Album đó đến cho thân mẫu của vị
linh mục ở mãi bên Canada. Hành động của các sinh viên Việt nam quả là một
nghĩa cử cao đẹp. Nhưng không ngờ, khi nhận được cuốn Album, thân mẫu của vị
linh mục như mất con thêm một lần nữa.Trong lá thư gởi cho các sinh viên, bà
trách móc tại sao họ gởi cuốn Album đầy những hình ảnh chết chóc đó để khơi gợi
lại niềm đau của bà.Thì ra, trong văn hóa Tây Phương, chẳng ai muốn giữ lại những
hình ảnh chết chóc và tang tóc của người thân.
Vì không hiểu được
văn hóa của nhau, những cử chỉ tưởng là hay đẹp lại tạo ra hiểu lầm. Tôi cũng
nhớ một câu chuyện xảy ra trong trại trại tỵ nạn Bataan, Phi luật tân. Từ cuối
thập niên 70 đến đầu thập niên 90, Hoa kỳ cho thành lập trại chuyển tiếp để chuẩn
bị Anh ngữ và kiến thức văn hóa Mỹ cho những người được Mỹ nhận. Do đó, tất cả
những thuyền nhân từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á sẽ đi Mỹ, những người Việt nam
ra đi theo chương trình trật tự gọi tắt là ODP hoặc những người con lai Mỹ cùng
gia đình đều phải đến trại tỵ nạn Bataan để theo một khóa học về “định hướng
văn hóa” trong vòng 6 tháng. Chủ yếu vẫn là học Anh ngữ.
Những người học
vỡ lòng lớp Anh ngữ nào cũng đều phải “tụng” những câu như: How are you? What is your name? How old are
you? Where are you going? What are you doing? …Gặp bất cứ người ngoại quốc
nào, người tỵ nạn cũng lấy mấy câu đó ra để thực tập. Một thiện nguyện viên người
Mỹ kể lại rằng, mấy ngày đầu, ông còn lịch sự để trả lời. Về sau, ông phải “nổi
dóa” khi nghe đến hai câu “Where are you
going? What are you doing?” Ông nói rằng ông bực mình vì người Việt nam
không biết tế nhị, lúc nào cũng muốn biết chuyện riêng tư của ông, cho nên có lần
ông phải quát lên: “It’s none of your
business”. Đại khái ông bảo đừng “xía vô” chuyện riêng của ông. Ông đi đâu,
làm gì là chuyện riêng của ông.
Ngày nay, người
Việt nam nào ở hải ngoại cũng đều biết rằng đặt những câu hỏi về đời tư của người
khác như bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, lương tháng bao nhiêu…là điều tối kỵ. Ở
Việt nam thì trái lại, hỏi về đời tư thường là một cách bày tỏ sự quan tâm. Ngôn
ngữ Việt nam vốn có tính “quan hệ” hơn là thông tin. Người Tây Phương nói chuyện
là để thông tin. Người Việt nam thì xem ra chào hỏi trước hết là để đi vào quan
hệ với người khác. Gặp một ai đó, tôi xác định tức khắc vị trí của tôi để xưng
hô. Người đáng tuổi ông bà tôi, tôi gọi là ông bà. Người đáng tuổi cha mẹ tôi,
tôi gọi là bác chú, cô dì…Trong câu chuyện, có thể tôi sẽ hỏi thăm về tuổi tác,
chuyện gia đình, chuyện làm ăn. Những câu hỏi như thế không nhằm để khai thác một
thông tin, mà chỉ để nói lên mối quan tâm của tôi mà thôi.Tựu trung, qua câu
chuyện, tôi muốn thiết lập một quan hệ với người khác.
Quả thật, văn
hóa của tôi luôn thúc đẩy tôi cởi mở trong quan hệ với người khác. Nhưng trong
cái xóm nhỏ của tôi hiện nay, tôi biết rằng tôi phải dè dặt hơn. Khác biệt văn
hóa là điều không thể chối cãi được. Một cuộc sống xã hội hài hòa đòi hỏi tôi
phải biết và tôn trọng văn hóa của người khác. Tựu trung, tôi thấy tôi phải sống như thế nào để không “vô tư” làm phiền
người khác.
Tôi nhớ hồi mới
dọn về “xóm nhỏ” này, một hôm nhà tôi đưa về ba con gà con, với hy vọng nuôi
chúng thành gà mái để đẻ lấy trứng. Không ngờ, cả ba con đều là đực rựa cả. Vừa
đến tuổi dậy thì, chúng nó thi đua và tranh nhau gáy inh ỏi cả đêm lẫn ngày. Nhiều
đêm tôi không ngủ được và tôi cũng biết rằng tiếng gà gáy cũng đánh thức nhiều
người hàng xóm. Biết mình vô tình “làm phiền” hàng xóm, cho nên cuối cùng chúng
tôi đành phải “thịt” cả ba chú gà trống. Và dĩ nhiên, khi làm thịt, chúng tôi
cũng phải “ra tay” như thế nào để không “xúc phạm” đến “tình cảm” của người Tây
phương đối với súc vật.
Ngẫm đi nghĩ lại
về chuyện này, tôi thấy mình đã hành động theo một giới luật phổ cập mà tôi tin
là có giá trị cho mọi người trên cõi đời này, bất luận thuộc một nền văn hóa
nào. Giới luật đó là : “những gì ngươi
không muốn người khác làm cho ngươi, thì cũng đừng làm cho họ”.Tôi nghĩ: nếu
mọi người đều sống theo nguyên tắc nền tảng của nền đạo đức toàn cầu này thì chắc
chắn cái “xóm nhỏ” của mình và thế giới này sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Chu Thập, Đầu năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét