Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Biết thì thưa thốt...


Chu Thập
04/06/19
Cuốn phim Aladdin, do đạo diễn Mỹ Guy Ritchie thực hiện và với sự góp mặt của tài tử gạo cội Will Smith trong vai ông thần đèn, hiện đang được trình chiếu tại Úc Đại Lợi. Lúc nhỏ, tôi đã được câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần” đưa vào thế giới thần tiên. Nay ở tuổi già, ngoài những cảnh trí hùng vĩ ở Trung Đông mà có nằm mơ cũng sẽ không bao giờ được đặt chân đến, tôi “được” hay đúng hơn “bị” phim Aladdin bắt phải suy nghĩ miên man về một trong những vấn đề muôn thuở của con người là Quyền Lực. Trong các câu nói nổi tiếng về quyền lực, tôi không thể nào quên lời cảnh cáo của sử gia kiêm chính trị gia Anh John Dalberg-Acton hay gọi tắt là Lord Acton (1834-1902): “Quyền lực hủ hóa con người. Quyền lực tuyệt đối hủ hóa con người một cách tuyệt đối” (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutety).
Dường như đạo diễn Guy Ritchie cũng muốn nhắn gởi một thông điệp như thế khi làm sống lại câu chuyện Aladdin vốn rất quen thuộc này. Cả Aladdin và tể tướng Jafar đều nghĩ rằng hễ nắm được trong tay ông thần đèn thì thế nào cũng chiếm được trái tim của công chúa Jasmine. Khi chiếm được ông thần đèn, Jafar bày tỏ ước muốn là thu tóm trong tay mọi quyền lực trong vũ trụ. Ông thần đèn đã trao vào tay của ông quyền lực đó và đó cũng chính là lúc ông bị một quyền lực như thế hủy diệt. Chiếm lại cây đèn thần, Aladdin chỉ còn lại một ước nguyện để xin. Với cây đèn thần, Aladdin có thể có tất cả mọi sự, nhứt là chiếm được trái tim của công chúa Jasmine. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chàng thanh niên từ bỏ tất cả mọi tham vọng để chỉ xin một điều: giải phóng ông thần ra khỏi cây đèn để ông được trở thành một con người bình thường! Lời ước cuối cùng đã được thực hiện. Aladdin trở thành trắng tay và trở về nguyên trạng của một chàng thanh niên lang thang đầu đường xó chợ, chuyên ăn cắp vặt để sống qua ngày, nhưng lúc nào cũng có tấm lòng biết thương người. Đó chính là sức mạnh đích thực mà người thanh niên khố rách áo ôm lúc nào cũng có và đó chính là sức mạnh giúp chàng chiếm được trái tim của nàng công chúa.
Chuyện Aladdin không thể không làm tôi nhớ lại lợi dặn dò của ông chú Ben Parker với đứa cháu “Người Nhện” (Spider Man) của mình: “Quyền lực càng nhiều thì trách nhiệm càng nhiều” (With great power comes great responsibility). Chính vì thế mà “Người Nhện” đã sử dụng quyền lực của mình để cứu người hơn là đeo đuổi các tham vọng riêng của mình. Quyền lực và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Và trách nhiệm, hiểu một cách đơn giản nhứt, chính là biết quên mình để chỉ nghĩ đến người khác.
Aladdin đã cư xử như thế khi nắm trong tay quyền lực. Anh đã đặt trách nhiệm đối với người khác lên trên quyền lực của mình. Anh thà trở về với con người thật trơ trụi, bất toàn hơn là sử dụng quyền lực cho riêng bản thân. Nói cho cùng, trách nhiệm đối với người khác đòi hỏi sự khiêm tốn. Đây là bài học mà tôi cũng học được trong đoạn cuối “có hậu” của phim Aladdin.
Tôi thấy thế giới cần sự khiêm tốn hơn bao giờ hết. Tổng thống Donald Trump, người được xem là có nhiều quyền lực nhứt trên thế giới hiện nay, đã nhiều lần tuyên bố rằng ông là “một thiên tài (với tâm lý) rất ổn định” (a very stable genius). Là thiên tài cho nên cũng có nghĩa là thông minh và thông minh nhứt thế giới. Bất cứ ai chống hay phê bình ông cũng đều được ông tặng cho nhãn hiệu “Kém thông minh” (Low I.Q).
Ở Mỹ, Tổng thống Trump có lẽ không phải là người duy nhứt tự hào về óc thông minh của mình. Tác giả Tom Nichols, một chuyên gia về an ninh quốc gia, cho rằng tại Mỹ hiện đang có rất nhiều người như Tổng thống Trump. Trong cuốn sách có tựa đề “The Death of Expertise” (cái chết của sự hiểu biết chuyên môn), ông mô tả mẫu người thông minh đó như sau: “Già trẻ, giàu nghèo, họ là những người có học. Một số chỉ cần được trang bị một chiếc laptop (vi tính di động) hay một thẻ thư viện. Nhưng tất cả đều chia sẻ một mẫu số chung: họ tin rằng họ đang có trong tay  cả túi khôn! Họ xác tín rằng họ có nhiều thông tin hơn các nhà chuyên môn, hiểu biết rộng rãi hơn các giáo sư và có cái nhìn sâu rộng hơn các đám đông mê muội” (https://www.psychologytoday.com/au/blog/out-the-ooze/201905/is-lack-intellectual-humility-what-ails-america)
Tôi luôn tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra khi ai cũng nghĩ rằng mình “thông minh” hơn người khác? Có người cho rằng chuyện hay nhứt  của Trạng Quỳnh chính là cuộc đấu khẩu giữa ông và ông Tú Cát. Dù chỉ mới đỗ tú tài, ông Tú Cát vẫn thường nổ rằng mình là người thông minh, hay chữ, coi thiên hạ chẳng ra gì. Để thử tài Quỳnh, ông Tú Cát ra câu đối: “Trời sinh ông Tú Cát”. Quỳnh liền đối lại: “Đất nứt con bọ hung”.
Thiếu sự khiêm tốn, có lẽ con người cũng như giống bọ hung, suốt ngày chỉ biết vùi đầu trong đống phân mà vẫn nghĩ mình hơn người.
Khiêm tốn là khởi đầu của sự khám phá. Có lẽ đây là luận đề mà sử gia Yuval Noah Harrari muốn đưa ra khi giải thích về sự tiến bộ của Âu Châu sau thời Trung Cổ. Đó là thời kỳ người Âu Châu mở ra các cuộc thám hiểm đi tìm đất mới. Vào thời kỳ đó, Trung Hoa vẫn còn miên man ngủ vùi trong sự tự mãn rằng mình là trung tâm của thế giới, là cái rốn của vũ trụ. Trong khi đó, các nhà thám hiểm Âu Châu không chỉ hăm hở đi tìm đất mới để chinh phục. Cùng đi với họ lúc nào cũng có cả một đội ngũ các nhà khoa học như địa chất học, sinh vật học, nhân chủng học, khảo cổ học...Họ ra đi để khám phá, để học hỏi, bởi vì họ tự nhận rằng mình còn rất nhiều điều để học hỏi. Tác giả gọi các cuộc khám phá của các nhà thám hiểm và khoa học gia Âu Châu là “sự khám phá của sự ngu dốt” (The discovery of ignorance).
Biết mình và biết mình ngu dốt, phải chăng đó không là sự hiểu biết tối hậu mà con người cần đeo đuổi? Chỉ có một sự hiểu biết như thế may ra mới có thể mở mắt, mở trí, mở lòng để con người biết sống khiêm tốn hơn, tử tế hơn, cảm thông hơn trong cách đối nhân xử thế. Câu nói của người xưa lúc nào cũng đáng suy nghĩ và đem ra thực hành: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét