Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Tập tành viết lách



Thi Văn

Hôm nọ, có người bạn thấy tôi hí hoáy viết nên đùa: “Bây giờ có giờ để tập tành viết lách rồi há!” Tôi chỉ cười. Một cách nào đó, cũng đúng.

Tuy nhiên, với tôi, khi đã rời ghế nhà trường, khi đã không còn phải viết theo một đề tài do ai đó đưa ra, chúng ta không còn trong giai đoạn “tập tành viết lách” nữa. Ngữ pháp có thể chưa hoàn chỉnh. Cấu trúc có thể chưa mạch lạc. Cách viết có thể chưa đủ sức chuyển tải. Những điều đó không thể “giáng cấp” ai đó vào loại “tập tành viết lách” nếu như họ đang diễn tả “chủ đề” do chính họ lựa chọn. 

Trước đây tôi thích chọn "ngôn ngữ" yên lặng, nhất là trong thời đại thông tin toàn cầu. Cho đến nay, tôi vẫn tin sức mạnh của sự yên lặng. Bởi ít ra, trong khi sự ồn ào và hỗn loạn của thông tin toàn cầu và các mạng xã hội có thể mang đến đủ mọi hỉ nộ ái ố cho những người trong và ngoài cuộc, yên lặng thường không làm chuyện đó. 

Với tôi, yên lặng cũng là một cách phát biểu tư tưởng của mình. Yên lặng cũng có “tiếng nói” của nó. Tôi đã chọn cả hai, nhưng yên lặng nhiều hơn. Tôi biết nhiều người cũng như vậy. Nhất là nếu đang phải sống trong một xã hội thiếu quyền tự do ngôn luận. Giữ yên lặng. Vừa nhàn vừa yên thân. 

Thế nhưng khi nhìn thấy sự lạm dụng quyền tự do thông tin và phát biểu thiếu trách nhiệm của nhiều người trên thế giới mạng, tôi phải tự hỏi, yên lặng vào lúc này có còn thật sự đúng lúc hay không?Làm sao để giữ được quân bình giữa yên lặng và lên tiếng?

Làm sao để có thể sống hoà đồng giữa những ồn ào bất tận và sự yên lặng trong lành?

Cuối cùng tôi chọn lên tiếng cho “yên lặng” bằng những dòng chữ. Với tôi, viết lách là cách tốt nhất để “đấu tranh” cho yên lặng. Vì chúng ta thường đọc bằng mắt chứ không đọc bằng miệng. Chữ viết có thể tôn trọng yên lặng nhưng những cách phát biểu tư tưởng khác như nói, hát thì không. Tôi mong là những người ồn ào cũng phải biết tôn trong sự yên lặng của người khác. Đừng gán hay nhét vào miệng họ những gì không phải của họ khi cho rằng "đâu có ai phản đối!" 

Tôi luôn cám ơn cuộc đời vì đã được sống ở một nơi mà tôi có thể “viết” mà không phải “lách”. Tôi thương những người hoặc phải chọn yên lặng hoặc phải tìm mọi cách để phát biểu tư tưởng mà không liên lụy cho chính mình và gia đình. Một nhạc sĩ trẻ trong nước đã chẳng từng viết: "Mỗi đêm ta ngồi ta viết, ta chỉ mong không bị cấm ngăn" đó sao? Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh đó, nhìn đâu cũng thấy bị rình rập. Cảm giác đó đã khiến tôi không còn muốn nói thật những gì mình nghĩ đến độ tôi thấy mình mất bản năng bộc lộ ý kiến. Lúc nào cũng đắn đo. Cho nên, nói rằng tôi đang “tập tành viết lách” cũng đúng một phần là vậy. Tôi đang tập “nói” trở lại. Tôi đang tập lấy lại bản năng hồn nhiên của một con người như nhà thơ Phùng Quán đã viết: “yêu ai thì nói là yêu, ghét ai thì nói là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”. 

Và qua “viết lách”, tôi đang “tập” làm người. 

Bởi lẽ, người ta đã chẳng thường cho rằng “văn là người” đó sao?

Thi Văn







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét