Chu Thập
15/2/20
Ông bạn hàng xóm của tôi là người “nhiều chuyện”. Dân Úc
rặc trong xóm tôi thường kiệm lời. Gặp nhau “hello” hay hỏi một cách xã giao “How
are you?” là cùng. Nhưng ông bạn hàng xóm của tôi thì lúc nào cũng có chuyện để
kể. Gần đây ỗng đã trở thành một nhà khí tượng đáng tin cậy của tôi. Hễ cứ gặp
nhau là ổng tuôn ra đủ thứ dự báo về thời tiết. Mà cũng lạ, dự báo nào của ổng
cũng đều trúng phóc. Ổng báo mưa thì có mưa. Ổng nói sẽ có giông là có giông. Ổng
thích đưa ra những nhận xét về sự thay đổi của thời tiết. Một buổi sáng cách
đây không lâu, ông gọi tôi đến gần chiếc xe đậu trước nhà, chỉ vào tấm kính rồi
bày tỏ sự ngạc nhiên: “Mùa hè năm nay thật khác lạ: đêm nóng chảy mỡ, vậy mà
sáng ra lại thấy có một lớp đá đóng trên kính xe!” Tôi mới dò hỏi: “Vậy ông có tin có khí hậu
thay đổi không?” Không biết câu hỏi có đánh đúng tim đen của ông không, ngập ngừng
một lúc ông mới trả lời: “Về khí hậu thay đổi, tôi chỉ bán tín bán nghi”.
Gần đây, tôi sợ đụng đến quan điểm chính trị và bởi khí hậu
thay đổi cũng là một vấn đề chính trị “nhạy cảm” cho nên tôi luôn cố gắng tránh
né để khỏi tranh cãi và đụng độ một cách vô ích. Về hiện tượng khí hậu thay đổi
và thay đổi vì hoạt động của con người, tôi tin các nhà khoa học hơn các chính
trị gia. Bao nhiêu hội nghị thượng đỉnh và hiệp định về khí hậu thay đổi cho tới
nay cũng chẳng đi tới đâu. Trái đất vẫn tiếp tục bị hâm nóng, bầu khí quyển và
nguồn nước vẫn tiếp tục bị ô nhiễm.
Không tin các chính trị gia đã đành, tôi cũng nghi ngờ
thiện chí của những người giàu có khi họ hô hào cuộc chiến chống lại khí hậu
thay đổi. Đứng đầu danh sách các tỷ phú hào sảng nhứt trong cuộc chiến chống lại
khí hậu thay đổi, tôi nghĩ đến trước tiên ông chủ của hãng máy bay dân dụng
Virgin Blue là Sir Richard Branson. Vào năm 2006, ông này cam kết bỏ ra 3 tỷ Mỹ
kim để nghiên cứu và tìm cho bằng được một thứ nhiên liệu khả dĩ thay thế được
dầu và khí đốt là hai thủ phạm chính hâm nóng trái đất và làm cho khí hậu thay
đổi. Một năm sau, ông còn bỏ ra 25 triệu Mỹ kim để treo giải thưởng cho người đầu
tiên tìm ra được phương pháp khả dĩ mỗi năm có thể loại trừ được một tỷ tấn khí
thải ra khỏi bầu khí quyển. Nhưng đào đâu ra tiền để nhà tỷ phú này tỏ ra hào sảng
như thế? Thưa từ việc hãng máy bay của ông tiếp tục nhả khí thải vào bầu khí
quyển! Có người bảo tỷ phú Branson chống lại ô nhiễm bằng cách gây ô nhiễm!
Trong hàng ngũ những người giàu có luôn hăng say hô hào
chống lại khí hậu thay đổi có lẽ cũng phải kể đến tên của ông Warren Buffett.
Không ai chối cãi được tấm lòng quảng đại của tỷ phú giàu nhứt nhì thế giới này
trong các công tác từ thiện. Ông Buffett không ngừng lên tiếng cảnh cáo về những
hậu họa của khí hậu thay đổi. Nhưng ai cũng biết rằng ông tỷ phú này đã và đang
đầu tư rất nhiều trong các công ty chuyên gây ô nhiễm trong đó có công ty dầu
khí ExxonMobil.
Nhắc đến những người giàu có hô hào chống lại khí hậu
thay đổi có lẽ cũng phải kể đến tên của tỷ phú Michael Bloomberg, người hiện
cũng đang lăm le nhảy vào cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc dưới lá cờ của Đảng Dân
Chủ. Tỷ phú này đã đóng góp rất nhiều cho các tổ chức bảo vệ môi sinh như Sierra Club và EDF. Lúc còn
làm thị trưởng New York, ông cũng đã được ca ngợi vì các chính sách bảo vệ môi
sinh. Nhưng nhiều người vẫn đặt vấn đề về nguồn gốc của khối tài sản kết xù của
ông, bởi vì ông đã làm giàu phần lớn nhờ vào công ty luật Willett Advisers
chuyên cố vấn về dầu khí.
Tên tuổi của nhà từ thiện Buffett cũng thường gắn liền với
một tỷ phú nổi tiếng khác là Bill Gates. Mặc dù rất được biết đến vì những nỗ lực
chống lại khí hậu thay đổi, tính đến năm 2012, Sáng hội Gates Foundation của vợ
chồng ông lại đầu tư ít nhứt là 1.2 tỷ Mỹ kim vào hai công ty dầu khí khổng lồ
là BP và ExxonMobil (x.Naomi Klein, This Changes Everything, Capitalism vs.The
Climate, Alfred A.Knoff,Canada, 2014, trg 230-238).
Mới đây, tôi cũng chú ý đến tên tuổi của một người nổi tiếng
khác là danh thủ quần vợt Roger Federer. Trên sân thể thao, tư cách của danh thủ
này lúc nào cũng sáng chói. Tuy nhiên, gần đây, triệu phú thể thao này lại trở
thành điểm nhắm của Greta Thunberg, cô
thiếu niên người Thụy Điển hiện đang nổi tiếng vì cuộc tranh đấu chống lại khí
hậu thay đổi. Sở dĩ đã có lời qua tiếng lại giữa hai người nổi tiếng này là vì
Federer hiện đang đầu tư rất nhiều vào Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, mà
kể từ năm 2016, Ngân hàng này lại cho
các công ty khai thác dầu khí vay đến 57 tỷ Mỹ kim.
Sở dĩ Federer đã bị Thunberg và những nhà tranh đấu cho
môi sinh chiếu cố đến là bởi vì danh thủ này đến Úc Đại Lợi để tham dự Giải
Australian Open vào giữa lúc nạn cháy rừng đang nhận chìm quốc gia miệt dưới
này trong khói lửa. Trong một tuyên ngôn được đưa ra khi đến Úc, Federer nói rằng
ông biết ơn những nhà tranh đấu trẻ vì họ nhắc nhở ông về trách nhiệm của một
nhà thể thao và kinh doanh đối với hiện tượng khí hậu thay đổi.
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì Úc Đại Lợi đang
trải qua những ngày mưa tầm tã. Nhiều nơi bị ngập lụt, cúp điện. Suốt ngày bó
chân bó cẳng lẩn quẩn trong nhà, không ra vườn được, không đi câu được và cũng
chẳng có bạn bè để “nhậu nhẹt” bù khú cho
hết cái khối thời giờ của một “tỷ phú thời gian”, có lúc tôi thấy buồn. Nhưng
nghĩ lại mới thấy đó là một nỗi buồn ích kỷ. Tại sao không vui khi mưa giúp dập
tắt và ngăn ngừa lửa rừng, khi nhà nông có nước để gieo trồng, khi mực nước
trong các đập nước dâng cao bảo đảm việc cung ứng nước cho mọi người và nhứt là
khi cây cối và rau xanh trong vườn của tôi được tưới tẩm.
Tự vấn lương tâm trong mấy ngày mưa, tôi thấy rõ ràng
mình là người đầu tiên đáng bị đem ra chỉ trích. Người ta thường có khuynh hướng
nhìn vào người khác kể cả những người giàu có , nổi tiếng để chỉ trích mà quên
mất là chính bản thân cũng cần bải bị “tự kiểm”. Đâu cần phải làm điều ác, đâu
cần chỉ nghĩ đến lợi ích, quyền lợi, niềm vui và hạnh phúc riêng của mình mà
không màng đến niềm đau nỗi khổ của người khác, nhứt là những người đang phải hứng
chịu những hậu quả khốc liệt của khí hậu thay đổi cũng đã là một cái tội rồi. Lại
phải để cho ông tổ của chủ nghĩa Marxit nhắc nhở: “Chỉ có súc vật mới quay lưng
trước nỗi khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”!
Tôi còn nhớ, cách đây 13 năm, trong một bài diễn văn đọc
trong Hội nghị Thượng đỉnh Toàn quốc được tổ chức tại Quốc hội Liên bang ở
Canberra, thủ tướng Úc lúc bấy giờ là ông Kevin Rudd đã tuyên bố rằng khí hậu
thay đổi là “thách đố luân lý lớn nhứt của thế hệ chúng ta”. Là một nhà lãnh đạo
quốc gia, có lẽ thủ tướng Rudd nghĩ đến trước tiên trách nhiệm của các chính phủ
đối với khí hậu thay đổi. Nhưng nếu trái đất là ngôi nhà chung của mọi người
thì bảo vệ môi sinh, chống lại khí hậu thay đổi phải là nghĩa vụ luân lý của mỗi
người, chớ không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ, của những người giàu có
hay của một đảng xanh nào đó.
Dựa trên các bản tường trình của các chính phủ, một cuộc
nghiên cứu được đăng trên báo Environmental Research Letters (Thư tín về Nghiên
cứu Môi sinh), chứng minh rằng trong cuộc chiến chống lại khí hậu thay đổi, người
dân không nên mong đợi quá nhiều nơi chính sách và hành động của các chính phủ.
Cuộc nghiên cứu khẳng định: “Đảo ngược khí hậu thay đổi bắt đầu từ chính bạn”
Cách sống của tôi, ít hay nhiều, đều ảnh hưởng đến sự
thay đổi của khí hậu và sự gia tăng hay giảm bớt sự ô nhiễm của môi sinh. Khói
thuốc lá tôi nhả ra mỗi ngày và một tàn thuốc lá tôi vứt bừa bãi xuống đất chắc
chắn đã góp phần vào việc làm cho môi sinh bị ô nhiễm. Nói gì đến khói từ xe
hơi của tôi! Nghĩ cho cùng, có biết bao nhiêu hành động phung phí thiếu trách
nhiệm của tôi làm cho trái đất thêm hâm nóng và ô nhiễm. Trái lại, một cố gắng
nhỏ của tôi như giảm thiểu tối đa việc sử dụng bao bị ni lông chẳng hạn cũng có
thể giúp giảm được không biết bao nhiêu khí thải! Thật là thiếu đạo đức khi biết
giữ cho nhà mình sạch sẽ mà lại không màng gì tới rác rến trong ngôi làng toàn
cầu.
Tôi đã và đang làm gì trước tiếng kêu thảm thiết của Mẹ Đất?
Có lẽ đó phải là câu hỏi buộc tôi phải tự
vấn lương tâm, buộc tôi phải cân nhắc trong việc sử dụng mọi thứ chung quanh
mình mỗi ngày hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét