Chu Văn
Tôi đã từng “mê” nước Mỹ. Tôi đã đi Mỹ không biết bao
nhiêu lần. Vậy mà, cứ mỗi lần liên lạc với nhau qua điện thoại hay email, những
người thân của tôi cũng như một số bạn bè ở Mỹ luôn lập lại điệp khúc: “Sao
không qua Mỹ chơi?” Có lúc “bực mình” quá tôi hỏi vặn lại: “Sao không qua Úc
chơi?” Và lần nào câu trả lời cũng vẫn là: “Úc xa quá!”
Mới đây, khi cái điệp khúc “Sao không qua Mỹ chơi?” được
lập lại, tôi đã trả lời một cách dứt khoát: “Sợ đi Mỹ lắm”. Mà tôi sợ thiệt! Cứ
nhìn cái cảnh cảnh sát di trú ICE mặc thường phục, đeo mặt nạ, muốn bắt ai thì
bắt, có tặng vé máy bay tôi cũng chẳng dám qua Mỹ “chơi” nữa. Nhứt là mới đây
tôi lại càng sợ đến “nổi da gà” khi nghe ông Tom Homan, người được mệnh danh là
“ông Trùm biên giới”, ra lệnh cho cảnh sát di trú bắt giữ bất kỳ người nào mà
chỉ cần dựa vào “chỗ ở, công việc và diện mạo bên ngoài”(1).
Nếu đến Mỹ “chơi” mà lớ ngớ ra đường, tôi có thể bị bắt
giữ ngay vì gương mặt của tôi. Thời thực dân Pháp, các bà cố tổ của tôi, nhờ co
giò chạy kịp trong những cuộc bố ráp và rượt bắt của lính lê dương (légionaires),
mà ngày nay những hậu duệ như tôi không lai đen và nhứt là chẳng có chút tóc
vàng, sợi nhỏ nào, mà trái lại da vẫn vàng và mũi vẫn tẹt. Nếu đứng giữa những
người châu Mỹ La tinh, có bảo tôi trông giống người thổ dân “Quechua” thì cũng
chẳng ngoa lắm. Là người Á Châu hay giống người Châu Mỹ La Tinh, đàng nào tôi
cũng có thể là điểm nhắm của cảnh sát di trú ICE của Mỹ cả!
Sự kiện cảnh sát ICE của Mỹ bố ráp và bắt giữ người một
cách dễ dàng như thế gợi lại cho tôi những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản ở
Việt Nam. Đi khỏi nơi cư trú của mình năm ba cây số mà không có giấy phép là bị
chộp ngay. Cũng may thời đó, chỉ cần một tờ giấy đánh máy hay in ronéo cộng với
một con dấu giả là xong ngay; thời đó công an làm gì có máy vi tính để mà truy
tìm. Nhưng sợ nhứt là những lần bị gọi ra đồn công an để “làm việc”. Không tìm
được bằng chứng thì người ta vẫn có thể đưa ra phán quyết: “anh không công
khai, nhưng ngấm ngầm phản động”. Sợ là phải, bởi vì công an là Đức Chúa Trời
có thể thông suốt “mọi sự trong ngoài” của ta!
Ngày nay chuyện xét hỏi hay bắt giữ như thế đã trở thành
chuyện cổ tích ở Việt Nam. Cách đây hơn 15 năm, lần đầu tiên về thăm nhà, tôi
run thấy rõ khi trình sổ thông hành ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Vừa về đến nhà,
người nhà đã vội lấy sổ thông hành lên phường để xin đăng ký tạm trú cho tôi.
Và dĩ nhiên, ra khỏi nhà tôi cứ phải nhìn trước ngó sau và gìn giữ từng lời ăn
tiếng nói. Nay mọi sự đã thực sự “đổi mới”. Ra đường chẳng còn phải sợ công an
bắt giữ hay chận lại xét hỏi nữa. Có sợ chăng là sợ ăn uống bị nhiễm độc hay ra
đường bị xe tung mà thôi!
Nhìn về Việt Nam và trông qua Mỹ, tự nhiên tôi có ý nghĩ
ngược đời: tình trạng an toàn cá nhân ở Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump
nhiệm kỳ hai xem ra còn tệ hơn trong chế độ độc tài ở Việt Nam nhiều! Ngoài bạo
động súng đạn khiến ở đâu cũng có thể bị chết oan, ra đường có thể bị bắt bất cứ
lúc nào mà không sợ sao? Về Việt Nam tôi sợ ít, nhưng qua Mỹ tôi sợ nhiều hơn!
Cái nước Mỹ dưới thời ông Trump lúc nào cũng “Maga”, ở
đâu cũng xưng là “vĩ đại” quả thực lạ
lùng quá! Dưới mắt của một người “sợ đi Mỹ” như tôi, Mỹ là một nước không có
hòa bình!
Trong nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu về hòa bình
thế giới thường dựa vào những chỉ số như Chỉ số Hòa bình Thế giới (Global Peace
Index) và Chỉ số Hòa bình Tích cực (Positive Peace Index) để đo lường sự ổn định
và hài hòa xã hội của một quốc gia. Theo Chỉ số Hòa bình Tích cực, tức chỉ số về
định chế và cơ cấu giúp phát triển và duy trì những xã hội hòa bình, Hoa Kỳ được
xếp hạng thứ 27 trên 163 nước được khảo sát. Còn về Chỉ số Hòa bình Thế giới, tức
chỉ số về tình trạng không có bạo lực và sự hiện diện của những yếu tố tích cực
giúp phát triển hòa bình thì Hoa Kỳ đứng thứ 132 trong số 163 được khảo sát.
Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu mới do Đại học Colombia và Viện Nghiên cứu
Toyota thực hiện cho thấy những chỉ số về hòa bình trên đây thiếu một chiều
kích cốt lõi của hòa bình: đó là cách những nhóm khác nhau trong xã hội đối xử
với nhau.
Theo kết quả của những cuộc nghiên cứu về cách mà những
nhóm khác nhau trong xã hội đối xử với nhau thì Hoa Kỳ gần như đứng cuối bảng,
thua cả những nước như Bangladesh, Ghana và Tanzania. Đó là những quốc gia mà sự
đo lường dựa trên các chỉ số về hòa bình thường cho là ít có hòa bình nhứt. Một
cách cụ thể hơn, dựa trên những yếu tố như “sự khoan nhượng giữa các nhóm, sự
tôn trọng, lòng tử tế, sự giúp đỡ hay nâng đỡ”, thì một lần nữa, bức tranh về
hòa bình của Hoa Kỳ không mấy sáng sủa. Nếu dựa theo những yếu tố trên đây để
đo lường thì Tân Tây Lan được 100 điểm, Singapore 98 điểm, còn Hoa Kỳ chỉ được
2 điểm, chỉ đứng trên Kenya, quốc gia mà có lẽ ông Donald Trump đã có lần gọi
là “nước hố xí”. Một cách cụ thể, theo dữ liệu của các cơ quan truyền thông được
các nhà nghiên cứu về hòa bình nhờ trí khôn nhân tạo phận tách và tổng hợp thì tình
trạng xung đột, chia rẽ, kình chống giữa các nhóm như thế giới đang chứng kiến
hiện nay cho thấy Hoa Kỳ không phải là một quốc gia thực sự có hòa bình (2).
Dựa vào tình trạng hài hòa xã hội để đánh giá thì rõ ràng
Hoa Kỳ hiện không phải là một nước có hòa bình. Còn nếu dựa vào quan hệ quốc tế
dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ lại càng không phải là một nước có hòa bình hay yêu
chuộng hòa bình. Trong bài diễn văn tuyên thệ nhiệm kỳ hai ngày 20 tháng Giêng,
Tổng thống Trump tuyên bố rằng “di sản đáng hãnh diện nhứt” của ông là làm một
tổng thống “xây dựng hòa bình”. Và cung cách xây dựng hòa bình của ông chính là
dùng sức mạnh quân sự. Chỉ trong sáu tháng thôi, ông đã ra lệnh ném bom xuống rất
nhiều nơi trên thế giới. Kể từ khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ đã ít nhứt
thực hiện 529 cuộc ném bom xuống trên 240 nơi tại Phi Châu, Trung Đông và Trung
Á trong khi đó trong suốt 4 năm cầm quyền, Tổng thống Joe Biden, người chưa từng
xưng mình là “tổng thông xây dựng hòa bình” và cũng chưa một lần “đòi” được
trao tặng Giải Nobel Hòa Bình, ra lệnh ném bom xuống các nước không quá 560 lần(3).
Trong cuộc vận động bầu cử, ông tố cáo Tổng thống Biden và ứng cử viên tổng thống
Kamala Harris đang đưa Hoa Kỳ vào Đệ tam Thế chiến. Không kể cuộc không kích xuống
Iran khiến cả thế giới phải một phen lên ruột, những cuộc dội bom của ông xuống
một số nước ở Trung Đông và Phi Châu đã khiến cho không biết bao nhiêu thường
dân thiệt mạng. Còn nhìn về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và tổ chức
Hamas, nếu theo dõi trên trang mạng của Đài Al Jazeera, một cơ quan truyền
thông thường được mệnh danh là Đài BBC ở Trung Đông, những ai còn có trái tim
có lẽ không thể không thổn thức trước cảnh hằng ngày Israel gây ra đói khát, chết chóc cho người
dân Palestine ở Gaza. Không lay động nổi một ngón tay để chận đứng cuộc diệt chủng
do đồ tể Netanyahu gây ra, vậy mà ông vẫn cứ “cằn nhằn” tại sao mình không được
trao tặng Giải Nobel Hòa bình(4).
Tôi không biết rồi đây Ủy ban Nobel có quyết định trao Giải
Nobel Hòa Bình cho ông Trump như đã từng trao giải thưởng cao quý này cho hai
ông Henry Kissinger của Mỹ và Lê Đức Thọ của Việt Nam hồi năm 1973 không. Nhưng
với cái nhìn của một người chỉ dùng cái “lẽ thường” (common sense) để mà suy
xét, thì ông Trump không thể nào được xếp vào hàng ngũ những người yêu chuộng
hay “xây dựng hòa bình”. Cứ nghe những gì ông nói, cách ông đối xử với người di
dân và nhứt là những thông điệp ông gởi đi vào những dịp lễ tôn giáo hay quốc
khánh của nước Mỹ, người ta chỉ nghe thấy một giọng hằn học đầy thù hận. Hãy thử
nghe lại lời “hiệu triệu” của ông khi khai mạc ngày lễ Độc Lập 4 tháng Bảy 2025
vừa qua. Đây là nguyên văn lời ông nói về những người thuộc Đảng Dân Chủ: “Tôi
thù họ”(5). Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhứt ông bộc lộ sự thù hận đối
với các đối thủ chính trị của ông. Trong suốt nhiệm kỳ một và từ sáu tháng qua,
có thể nói: suốt ngày đêm, hận thù lúc nào cũng gậm nhấm tâm hồn ông. Thù hận
và trả thù chính là linh hồn của sự cai trị của ông. Liệu một quốc gia đã bỏ
phiếu để đưa một con người như thế lên làm nguyên thủ quốc gia có thể có hòa
bình không?
Tôi sợ đi Mỹ chơi lắm. Nếu có đủ điều kiện và chọn lựa,
tôi sẽ trở lại thăm Tân Tây Lan. Đây mới thực sự là một đất nước có hòa bình.
Có lẽ người có công nhứt trong việc xây dựng hòa bình cho đất nước của mình
chính là cựu Thủ tướng Jacinda Ardern, người lên cầm quyền khi chỉ mới 37 tuổi.
Mới đây bà cho ra mắt cuốn hồi ký có tựa đề “A different kind of power” (một sức
mạnh khác). Theo phân tách của một số
tác giả, một trong những bài học chính mà người ta có thể rút ra được từ quyển
hồi ký của bà Ardern là: hãy biến việc “họ chống lại chúng ta” (them vs.us )
thành “chúng ta”. Thế giới đã thấy được cách hành xử của bà Ardern trong vụ khủng
bố nhắm vào một đền thờ Hồi giáo tại Christchurch hồi năm 2019. Đến ngay hiện
trường để an ủi các nạn nhân và thân nhân của họ, bà nói một câu để đời: “Họ là
chúng ta” (they are us). Chính cử chỉ cảm thông và lời bộc bạch đó đã có sức
thuyết phục dân chúng và các nhà lập pháp Tân Tây Lan ủng hộ việc kiểm soát
súng ống, nhờ đó người ta không còn thấy xảy ra một vụ bạo động súng đạn nào nữa
trên đất nước này.
Bài học quan trọng thứ hai được rút ra từ quyền hồi ký của
bà Ardern là: hãy làm một nhà lãnh đạo
ngay trong gia đình bạn. Dù có ngồi ở đỉnh cao quyền lực, nhà lãnh đạo nào trước
tiên cũng là một con người(6). Về điểm này thì người xưa đã có lý khi nói rằng
muốn trị quốc hay bình thiên hạ thì hãy tu thân và tề gia trước đã. Xét cho
cùng nếu không làm chủ được chính mình, nếu không thắng được cái tôi nhỏ nhen của
mình, nếu không có sự an bình nội tâm thì những kẻ tự xưng là người yêu chuộng
hay “xây dựng hòa bình” chỉ là những tên khoác lác.
1.Trump
Border Czar Boasts ICE Can 'Briefly Detain' People Based On 'Physical
Appearance' David Moye, Huffpost July 11, 2025
2. Study:
The U.S. May Be Much Less Peaceful Than We Think, Peter T. Coleman Ph. D Psycchology Today July 3, 20
3. Trump promised to be a “peacemeker’
president.He launched nearly as many airstrikes in five months as Biden did in
four years, Alex Woodward, Alicia Hagoplan, The Independent July, 16, 2025
4. All
the times Trump complained about not getting a Nobel Peace Prize, Bess Levin,
Vanityfair July 10, 2025
5. Trump
kicks off celebration of America by declaring his hatred for democrats, Leigh
Kimmins, Yahoo/News July 4.2025
6. What
makes a good politician? Heather Rose Artushin LISW-CP, Psychology Today,
June 30, 2025